Sáng 22/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài nhằm lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 37 điểm cầu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thế giới đang chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp và khó lường trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an ninh, thiên tai, dịch bệnh… gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phục hồi và phát triển của các nền kinh tế; trong đó, có Việt Nam, nhất là về đầu tư, thương mại, tài chính, tiền tệ.
Trước bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cho thấy sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, chính là thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài.
Khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2022, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định: Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu trong năm 2022
Tiếp đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển, đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản như: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng…
Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức từ 6,3 – 7%.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, bước vào năm 2023, Việt Nam nhận định sẽ có nhiều thách thức; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm “bản lề” trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.
“Nếu các năm 2021 – 2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để “tăng tốc”. Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”- Bộ trưởng khẳng định.
Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025 – 2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn với các bộ, ngành, địa phương. Đó là về ngắn hạn, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, chuẩn bị sẵn các “gói” chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Về dài hạn, cần chú trọng kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu một số đề nghị với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, “mỗi một doanh nghiệp các bạn đều là một đối tác chiến lược toàn diện của chúng tôi”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển hướng đến sự thịnh vượng chung.
“Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua.
Đánh giá cao và trân trọng sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của cộng đồng DN, nhà đầu tư nói chung và các DN, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoạt động FDI tại Việt Nam ngày càng sôi động; ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, DN FDI lớn với công nghệ hiện đại đang đầu tư, mở rộng đầu tư với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
“Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; Tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực;) Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; Xây dựng môi trường- chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, trên cơ sở sự chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã có 3 Tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại VIệt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. 1. Sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo 1,5 tỷ USD – Đức 2. Sản xuất trang thiết bị y tế 600 triệu USD – Nhật Bản 3. Sản xuất công nghiệp nặng và logistic 1,6 tỷ USD – Hàn Quốc |
Theo VietQ.vn
Kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch (vietq.vn)