Ngày 28/3/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo góp ý báo cáo tổng kết “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản”. Hội thảo do Tổng cục Thủy sản và tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên phối hợp tổ chức đã đưa ra các giải pháp có thể áp dụng với tàu cá để giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là ngư cụ.
Nghiên cứu cơ chế thu gom rác thải nhựa trong khai thác thủy sản
Theo bà Phạm Thu Hằng- Phó cục trưởng Cục Biển và hải đảo Việt Nam, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Việt Nam cùng các nước đang nỗ lực trong tiến trình giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Trên thế giới, nhiều chiến dịch, sáng kiến nhằm giảm thiểu nhựa nói chung, rác thải nhựa ra biển nói riêng ở cả quy mô toàn cầu và khu vực đã được thực hiện. Một trong những đối tượng được nhắm tới của các chiến dịch này là ngư dân. Khi ngư dân đi đánh cá và kéo lưới trên thuyền, họ thường phân tách cá ra khỏi đống rác. Trong hầu hết trường hợp, ngư dân sẽ vứt rác thải xuống biển và chỉ giữ cá trên boong tàu vì họ không có lý do và động cơ để giữ rác thải trên boong và đưa về cảng cá.
Bà Nguyễn Diệu Thúy- Giám đốc Chương trình giảm rác thải nhựa, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho biết, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã cùng Tổng cục Thủy sản có các nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa để triển khai các hoạt động truyền thông, nghiên cứu, làm tiền đề cho các cơ chế quản lý rác thải nhựa ngành thủy sản.
Dự án đang cùng Tổng cục Thủy sản nghiên cứu cơ chế thu gom rác thải nhựa thủy sản, đặc biệt là ngư cụ để khuyến khích tất cả tàu thuyền cả nước tham gia. “Ngư cụ khi bị bỏ lại trên biển, không chỉ là rác thải mà trở thành vật rất nguy hiểm, tiếp tục giết hại các sinh vật biển. Do đó, cần cơ chế thu gom, tái chế hoặc xử lý phù hợp”- bà Thủy cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Tĩnh- chuyên gia nhóm nghiên cứu dự án cho biết, dự án đã kêu gọi được sự sẵn lòng tham gia của người dân vào hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải nhựa vào bờ để xử lý.
“Sự sẵn lòng tham gia được thể hiện qua tỷ lệ người tham gia và mức đóng góp chi phí tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa của tàu cá mang về bờ với mức bình quân 39.380 đồng/tháng/tàu, cao hơn nhiều lần mức chi phí xử lý lượng rác thải nhựa không có khả năng tái chế là 2.063 đồng/tháng/tàu. Mức đóng góp này có thể sử dụng làm mức giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng cá”, ông Tĩnh chỉ ra.
Theo ông Tĩnh, việc thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng sẽ được thực hiện theo lộ trình. Năm thứ nhất, thu thập thông tin xây dựng cơ cấu hình thành giá và kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại 1 cảng cá, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Năm thứ hai, xây dựng và công bố mức giá trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng loại tàu, mức giá trực tiếp phát sinh theo khối lượng đối với từng loại rác thải nhựa được cảng tiếp nhận, thu gom và xử lý theo quy định. Các năm tiếp theo có thể được điều chỉnh thông qua điều kiện cụ thể khi triển khai dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa cụ thể tại từng cảng.
“Hiện ngư dân đã có hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và tác động của rác thải nhựa đối với nguồn lợi thủy sản và sinh kế của họ. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai cơ chế khuyến khích ngư dân tham gia các hoạt động thu gom, xử lý rác thải nhựa trong khai thác thủy sản”- ông Tĩnh chia sẻ.
Cần cơ chế khuyến khích ngư dân thu gom rác thải nhựa về bờ
Cũng theo kết quả dự án, Ban quản lý cảng có có thể đóng vai trò đầu mối điều hành giám sát hoạt động thu gom, tiếp nhận, xử lý rác thải nhựa, bởi đây là đơn vị thường xuyên cập nhật và nắm chắc thông tin tàu thuyền ra vào cảng.
Thực tế hiện nay BQL cảng cá không có chức năng quản lý nhà nước về môi trường đối với tàu, đặc biệt là khi tàu hoạt động ngoài phạm vi cảng. Do vậy cần được bổ sung thêm chức năng giám sát, tiếp nhận và xác nhận lượng rác thải nhựa từ tàu khai thác thủy sản theo quy định. Ngoài ra cần có cơ chế phối hợp giữa BQL cảng cá với các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về môi trường để triển khai quy định bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.
Tham gia góp ý xây dựng cơ chế thu gom rác thải nhựa đại dương, ông Nguyễn Long- chuyên gia tư vấn cho rằng, cần tổ chức đội thu mua ngay tại cầu cảng để làm khâu thu gom. “Ngư dân mang được rác lên đến bờ đã là đáng quý. Sau một chuyến đi biển họ rất vất vả, việc mang rác đến nơi thu gom ở xa là không thực tế”- ông Long nói.
Theo ông Long, cơ chế chính sách nêu ra nhiều nhưng cần chương trình hành động cụ thể. Trong đó, cần chú trọng giao cho các cảng cá nhiệm vụ thu gom rác thải nhựa. Lập ban chuyên đề về xử lý rác thải nhựa, hoạt động trực tiếp tại các cảng. Ban này có sự tham gia của Sở NN&PTNT, UBND xã và đại diện cộng đồng nhân dân.
Đại diện các cảng cá cho rằng, trước mắt, cần có cơ chế khuyến khích ngư dân thu gom rác thải nhựa, đặc biệt là ngư cụ, về lâu dài cần có quy định cụ thể. Hiện không có cơ chế tài chính để các cảng cá mua rác thải nhựa của ngư dân, và BQL cảng không có chức năng xử lý các tàu cá không mang rác thải nhựa về bờ.
Hơn nữa, hiện dự án mới quan tâm đến đầu ra là thu gom rác thải nhựa, mà chưa chú trọng đến đầu vào. Lấy ví dụ ở Cù Lao Chàm quy định không cho phép mang đồ nhựa ra biển, Đại diện Cảng cá Nghệ Tĩnh cho rằng, cần tăng cường quản lý đầu vào, nâng cao ý thức người dân, khuyến khích người dân không sử dụng đồ dùng, bao bì nhựa, đặc biệt là cần đưa chính quyền cơ sở vào cuộc, có như vậy, việc thu gom rác thải nhựa trong khai thác thủy sản mới đạt hiệu quả.
Theo VietQ.vn
Khuyến khích ngư dân thu gom rác thải nhựa, ngư cụ trong khai thác thủy sản (vietq.vn)