Ngày 10/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức “Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân”. Tọa đàm đón nhận sự quan tâm của gần 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, hợp tác xã, tổ chức quốc tế tham dự.
Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng giữa doanh nghiệp và nhà khoa học
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Diễn đàn này được tổ chức như một sự kiện kết nối cung – cầu cho các sản phẩm khoa học công nghệ và tìm cơ hội liên kết, hợp tác giữa nhà khoa học với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và hợp tác xã
Thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các sản phẩm này chưa đến được với doanh nghiệp, hợp tác xã. Mặc dù các đơn vị này rất cần những sản phẩm khoa học công nghệ song lại chưa nắm được thông tin để tiếp cận. Người đứng đầu ngành nông nghiệp lưu ý các nhà khoa học về việc cần phải chú trọng tới công tác truyền thông, vì “Nếu không truyền thông tốt thì người ta không biết tới sản phẩm của mình”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển thị trường khoa học công nghệ. Đã là thị trường thì phải có người bán và người mua. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nhưng trong quá trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng… cần có sự kết nối thông tin để thoát khỏi tình trạng mù mờ trong nghiên cứu khoa học hiện nay, bởi “Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, từ Diễn đàn kết nối này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và hợp tác xã, cho phép các bên liên quan bổ sung ý tưởng và nội dung cho những đề tài nghiên cứu, đảm bảo cho các đề tài nghiên cứu phù hợp điều kiện thực tế với chi phí hợp lý, tăng được khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm.
Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.
Tại diễn đàn, GS. TS. Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, Viện đã phát triển, chuyển giao nhiều giống cây trồng. Trong đó có 106 giống được gắn với các chương trình kinh tế xã hội của Nhà nước. Các giống mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Sơn, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang rất quan tâm tới việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng trong sản xuất. “Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia vào chương trình nghiên cứu, như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”- Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam- TS Nguyễn Công Tiệp cho hay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang hợp tác, liên doanh với khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước, như đối tác đến từ Hàn Quốc để phối kết hợp nghiên cứu giống khoai tây; Công ty giống gia súc Hà Nội để nhập khẩu bò giống 3B… “Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các HTX, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng Học viện để chúng tôi nghiên cứu triển khai vào ứng dụng, từ đó nâng cao giá trị nông sản”- TS Nguyễn Công Tiệp mời gọi.
Kết nối, đưa sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống
Để kết nối đưa sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) vào thực tiễn cuộc sống, ông Nguyễn Phú Hùng- Vụ trưởng Vụ Khoa học các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tuy cơ chế chính sách chưa thể hiện rõ song từng chương trình hỗ trợ về KHCH của Vụ đều đặt tiêu chí có sự tham gia của doanh nghiệp. Đây là tiêu chí bắt buộc để đẩy nhanh ứng dụng KHCN.
Ông Nguyễn Phú Hùng- Vụ trưởng Vụ Khoa học các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Với trên dưới 20 chương trình KHCN cấp quốc gia, ông Hùng đề nghị các nhà khoa học cùng triển khai và cần thiết có sự vào cuộc của doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp có những bài toán thực tiễn và chuyển cho các nhà khoa học, từ đó, có thể triển khai các đề tài KHCN và nhanh chóng đưa sản phẩm vào thực tiễn- ông Nguyễn Phú Hùng nói.
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Kim Liên- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) khẳng định, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là chìa khóa để thành công của doanh nghiệp nông nghiệp. Bà Liên cho biết, từ năm 2006 đến nay, Vinaseed đã phối hợp các viện nghiên cứu công lập để chuyển giao sản phẩm KHCN vào sản xuất. Theo bà Liên, những giống này chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu của công ty.
Theo bà Trần Kim Liên, hợp tác công – tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường. Vinaseed mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.
Bà Trần Kim Liên cho biết, khối tư nhân mong muốn có nguồn thông tin cụ thể về dự án, từ đó tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp muốn đi chặng đường dài hơi, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Bộ NN&PTNT cần tuyển chọn ý tưởng từ các viện, trường. Dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, xác định các danh mục đầu tư cụ thể, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị.
Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp.
Là Giám đốc HTX chuối Viba- đơn vị sản xuất chuối uy tín, lớn nhất ở miền Bắc, với Nhãn hiệu Viba (Vietnam banana) đã được đăng ký bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu Trí tuệ, ông Trần Trung Đức cho biết, HTX có 100% xã viên ở Hòa Bình, mọi điều kiện đều rất hạn chế. Điều duy nhất để “sống” được là áp dụng khoa học công nghệ.
Sản phẩm đầu tiên Chủ tịch, Giám đốc HTX chuối Viba biết có áp dụng khoa học công nghệ là giấm ủ chuối. Năm 2015, việc ủ chuối và các loại hoa quả bằng thuốc diễn ra phổ biến. Việc này khiến người tiêu dùng rất lo sợ. Ông Đức khi đó kinh doanh chuối, nên đi tìm tài liệu nước ngoài đọc, không nghĩ rằng Việt Nam có. Vô tình gặp tài liệu của Việt Nam, ông Đức cho HTX áp dụng ngay.
Đưa sản phẩm ra thị trường là quá trình dài, và luôn phải trao đổi với nhà khoa học. Khi người tiêu dùng thay đổi yêu cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được. Để chỉnh sửa sản phẩm thì phải có các nhà khoa học. Họ là những người đồng hành, đồng hành thực sự, chứ không phải là ký hợp đồng xong là thôi.
“Là doanh nghiệp nhỏ, không nhiều vốn, thời gian, nguồn lực nên chúng tôi mong muốn có sản phẩm mẫu từ các viện nghiên cứu để có thể điều chỉnh, tính toán nhu cầu khách hàng nhanh hơn”- ông Đức chia sẻ.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 8 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học giữa các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp nhận chuyển giao, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Tại diễn đàn, Bộ NN&PTNT tổ chức Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trồng trọt – bảo vệ thực vật; chăn nuôi – thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi – phòng chống thiên tai; cơ điện và công nghệ sau thu hoạch… Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới được giới thiệu tại không gian trưng bày như: giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân. |
Theo VietQ.vn
Kết nối doanh nghiệp và nhà khoa học, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (vietq.vn)