Hàng loạt dự án lớn vừa được cấp phép đầu tư vào Việt Nam

Cơ hội giao thương - Theo Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1 vừa qua, cả nước có 28.125 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 346,5 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư.
Số liệu của Cục đầu tư nước ngoài cho thấy, tính lũy kế đến ngày 20/03/2019, cả nước có 28.125 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 346,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 195,6 tỷ USD, bằng 56,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
 
Trong quý 1 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 201,2 tỷ USD, chiếm 58% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,2 tỷ USD (chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 23 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).
 
Theo đối tác đầu tư, trong tháng 3 vừa qua, Djibouti – quốc gia ở Đông Phi đã có dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam lên con số 131, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 64 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 56,8 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.
 
Hà Nội nhận dự án đầu tư lớn nhất
 
Thông tin từ Cục đầu tư nước ngoài cho biết, trong quý 1 vừa qua, nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư. Trong đó, Hà Nội nhận dự án đầu tư lớn nhất với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD.
 
Cụ thể, dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó còn có dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.
 
Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu Sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.
 
Một dự án nữa được cấp phép trong quý 1 vừa qua là dự án Vinhtex, tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD do Royal Pagoda Private Limited (Singapore) đầu tư với mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An. Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, tổng vốn đầu tư đăng ký 170 triệu USD do Universal Alloy Corporation Asia Pte., Ltd (Singapore) đầu tư với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận, linh kiện hàng không vũ trụ bằng hợp kim nhôm và composite tại Đà Nẵng.
 
Dự án Cao ốc phức hợp – Công ty cổ phần đầu tư Golden Hill (BritishVirginIslands), tổng vốn đầu tư đăng ký 147,5 triệu USD với mục tiêu xây dựng khu nhà ở cao tầng để bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về nhà ở tại TP Hồ Chí Minh.
 
Việt Nam đã đầu tư sang 18 quốc gia
 
Liên quan đến đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Cục đầu tư nước ngoài cho biết, tính chung trong quý I/2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 120 triệu USD. Trong đó, có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 80,4 triệu USD. Có 8 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm là 39,6 triệu USD.
 
Theo lĩnh vực, lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 67,8 triệu USD, chiếm 56,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực ngân hàng đứng thứ hai với 36 triệu USD và chiếm 30% tổng vốn đầu tư; bán buôn, bán lẻ đứng thứ 3 với 10,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
 
Cục đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong quý đầu tiên của năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với 1 dự án quy mô vốn lớn 59,8 triệu USD, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chiếm 49,9% tổng vốn đầu tư. Campuchia xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 37,9 triệu USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư gần 11 triệu USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Malta, Australia.
 
Theo VnMedia
(Visited 36 times, 1 visits today)