Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 4/2021

Cơ hội giao thương - Cấp thẻ bảo hiểm y tế mới bằng plastic; Kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán theo quy định mới; Quy định mới về phân tích để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2021.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế mới bằng plastic

Kể từ ngày 1/4/2021, Quyết định số 1666/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành chính thức có hiệu lực pháp luật. Theo đó, áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới với nhiều cải tiến so với trước đây. Cụ thể, kích thước thẻ nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, chỉ dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ cũ dài đến 98mm và rộng 66mm; Thẻ sẽ được in plastic sau khi in, thay vì chỉ là một mảnh giấy mỏng manh như thẻ cũ. Do đó, sẽ hạn chế được tình trạng nhàu nát, ẩm mốc, rách hỏng khi gặp nước…

Mã số thẻ sẽ chỉ còn 10 chữ số (chính là mã số bảo hiểm xã hội) thay vì 15 ký tự như trước đây. Mức hưởng của người tham gia BHYT sẽ được thể hiện tại góc bên phải của thẻ, theo các kí tự từ 1 đến 5. Mặt sau của thẻ có các thông tin về nơi cấp, đổi thẻ; hướng dẫn kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh – những thông tin mà mẫu thẻ trước đây không hề có.

Với các thẻ cũ, Quyết định này cũng nhấn mạnh, trong thời gian chờ đổi sang mẫu thẻ mới, nếu vẫn còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám bệnh, chữa bệnh.

 

Kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán theo quy định mới

Từ 1/4/2021 việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 09/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành. Theo đó, việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo 2 hình thức là kiểm tra gián tiếp và kiểm tra trực tiếp. Cụ thể, kiểm tra gián tiếp: Là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện giám sát tình hình đối tượng được kiểm tra tuân thủ các nghĩa vụ thông báo, nộp các báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra trực tiếp: Là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán. Hình thức kiểm tra trực tiếp bao gồm: Kiểm tra định kỳ và Kiểm tra đột xuất.

Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ như sau: Kiểm tra trực tiếp 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên và mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên. Doanh thu dịch vụ kế toán bao gồm doanh thu từ: dịch vụ làm kế toán; dịch vụ làm kế toán trưởng; dịch vụ lập, trình bày báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn kế toán; Kiểm tra trực tiếp ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng quy định trên.

 

Quy định mới về thu phí hải quan

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTC quy định chi tiết về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh. Theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh có một số điểm mới so với quy định trước đây.

Cụ thể, Thông tư bổ sung thêm đối tượng nộp phí hải quan là: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Đồng thời Thông tư cũng bổ sung quy định mức thu phí hải quan cấp sổ ATA và phí hải quan cấp lại sổ ATA như sau: Phí hải quan cấp sổ ATA,  mức thu 1.000.000đ/sổ; Phí hải quan cấp lại sổ ATA, mức thu  500.000 đồng/sổ.

Phí Hải quan kiểm tra giám sát, hoặc tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mức thu 200.000 đồng/01 đơn; Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, xà lan) là 500.000 đồng/phương tiện…

Thông tư số 14/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2021 và thay thế Thông tư số 274/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.

 

Quy định mới về phân tích để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 14/2015/TT-BTC về phân loại, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 12/4/2021.

Theo Thông tư 17/2021/TT-BTC, hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại hàng hóa gồm: Mỗi mặt hàng lập 1 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa; Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa; Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích; Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư 14/2015/TT-BTC, hồ sơ được bổ sung thêm “Tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do”.

Theo VnMedia

(Visited 22 times, 1 visits today)