Không phải gần đây mới xuất hiện nhiều vụ việc đối với mặt hàng thép mà từ xưa đến nay, thép luôn là mặt hàng được các nước trên thế giới điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Các vấn đề thép nảy sinh ngày càng nhiều, sau khi Mỹ đưa ra áp thuế 25% đối với mặt hàng thép.
Sau Mỹ, Canada, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Á – Âu cũng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với toàn bộ ngành thép. Đó là chưa kể các nước khác đều tăng cường điều tra các vụ việc liên quan chống phá giá, hay chống trợ cấp đối với mặt hàng thép cụ thể và một số quốc gia cụ thể.
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thép Việt Nam liên tục bị điều tra áp thuế tự về trong thời gian qua, bà Phạm Châu Giang – Cục phó Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, do thép là mặt hàng sản xuất cơ bản ở rất nhiều nước và được coi là vấn đề an ninh quốc gia.
Ngoài ra còn do tình trạng dư cung toàn cầu. Theo OECD tính toán, năm 2017 thì lượng dư cung toàn cầu là gần 900 triệu tấn, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc.
Một nguyên nhân nữa cũng được Cục phó Cục Phòng vệ thương mại đưa ra là do kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thép gặp thiệt hại và xu hướng bảo vệ mậu dịch quay trở lại.
Đối với Việt Nam, theo bà Giang, tại thời điểm này, Việt Nam phải hứng chịu 47 cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp các loại đối với thép. Riêng thép chiếm 1/3 tổng số vụ việc phòng vệ thương mại đối với các ngành hàng của Việt Nam. “Mặc dù, Việt Nam bị điều tra rất nhiều về thép, nhưng các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng về sản xuất cũng như xuất khẩu được đánh giá cao trong khu vực” – bà Giang đánh giá.
Cũng theo bà Giang, không phải vụ việc nào Việt Nam bị điều tra cũng bị áp thuế và chịu thiệt hại.
Dẫn chứng về vấn đề này, Cục phó Cục Phòng vệ thương mại đơn cử, Indonesia quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ mặt hàng tôn lạnh Việt Nam, sau khi Việt Nam đã kiện ra WTO về việc áp dụng biện pháp tự vệ của Indonesia vi phạm các mục tiêu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu chứng minh được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không bán phá giá, hay không nhận trợ cấp từ Chính phủ. “Rất nhiều vụ việc doanh nghiệp Việt Nam điều tra xuất đi, nhưng không bị áp thuế mà vẫn xuất khẩu tốt”, bà Giang nhấn mạnh.
Bà Giang cho biết thêm, Việt Nam cũng đã có những hành động để bảo vệ thị trường Việt Nam, trước sức ép hàng Trung Quốc xuất đi mà bị các nước ngăn chặn có khả năng tràn vào Việt Nam bằng các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước đó, ngày 27/3, Indonesia đã ban hành Thông báo số 26/PMK.010/2019 sửa đổi Thông báo số 130/PMK.010/2017 nhằm thực thi phán quyết trong vụ việc giải quyết tranh chấp biện pháp tự vệ áp dụng với sản phẩm sắt, thép không hợp kim cán phẳng, mã HS: 7210.61.11 (thường được gọi là sản phẩm tôn lạnh) với mã vụ việc là DS496.
Theo Thông báo số 26/PMK.010/2019, biện pháp áp thuế nói trên sẽ hết hiệu lực vào ngày 27 tháng 3 năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, sau gần 4 năm đấu tranh theo cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO (khởi kiện từ tháng 6 năm 2015), Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu khó khăn trước các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra, áp dụng, đặc biệt là Indonesia.
“Kết quả này không chỉ có lợi cho các doanh nghiệp trong vụ việc hiện tại, mà còn tạo ra tiền lệ tích cực cho việc đấu tranh chống lại các vụ việc tương tự và tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng”, Bộ Công Thương thông tin.
Theo VnMedia
(Visited 85 times, 1 visits today)