Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để phát triển bền vững?

Cơ hội giao thương - Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức cũng như cơ hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, sự phát triển bền vững là yêu cầu của thời đại, vì vậy, doanh nghiệp đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 11/12/2019, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng. Tại đây, những vấn đề liên quan đến phát triển doanh nghiệp bền vững được nhiều chuyên gia quan tâm.

Phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu

Theo ông Phạm Việt Dũng – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu, trọng tâm và sự lựa chọn của các chính phủ, các tổ chức, hiệp hội và là cái gốc để doanh nghiệp tiến nhanh và tiến bền vững trong hành trình chinh phục thị trường.

Ông Dũng cho biết, năm 2018 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng GDP trên 7%, ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký lên tới 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, qua 11 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp, khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuận – Phó chủ tịch thứ nhất Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức, cũng như cơ hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, sự phát triển bền vững là yêu cầu của thời đại. Vì vậy, doanh nghiệp đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Thuận, để hướng tới phát triển bền vững đối với doanh nghiệp trong quản trị chiến lược cần đổi mới hệ thống quản trị theo những mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sáng tạo đổi mới công nghệ, nhằm tăng năng xuất lao động, chú trọng sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp phải coi pháp luật là một công cụ quan trọng trong toàn bộ hệ thống quản trị của doanh nghiệp mình.

Doanh nghiệp FDI chiếm 2,9% tổng số lượng doanh nghiệp toàn quốc

Cũng liên quan đến sự phát triển doanh nghiệp, ông Đinh Lâm Tấn – Viện chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ áp đảo lên tới 96,7% tổng số doanh nghiệp, hoạt động đa ngành, lĩnh vực.

Đáng chú ý, tốc độ khối doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng khá. Theo đó, năm 2017, doanh thu của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 11.737 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 56,8%, cao nhất trong tổng doanh thu cả nước, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2018, doanh nghiệp FDI chiếm 2,9% tổng số lượng doanh nghiệp toàn quốc và ngày càng tăng do các chính sách thu hút, ưu đãi của Chính phủ. Đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước và tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI đạt 384.149 nghìn tỷ đồng (đứng đầu cả nước). Giai đoạn 2010 – 2017, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài luôn dẫn đầu về lợi nhuận và tỷ lệ lợi nhuận tăng lên khá nhanh, từ 11,5% năm 2010 lên 35% tổng lợi nhuận thu được của DN toàn quốc. Năm 2018, doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 298 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng thu ngân sách Nhà nước và là nguồn thu chủ yếu ở một số địa phương như Vĩnh Phúc (93,5%), Bắc Ninh (72%), Đồng Nai (63%), Bắc Giang (60%) và Bình Dương (52%),…

Tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Lao động làm việc trong khu vực FDI đã tăng từ 358.500 người năm 2000 lên 4.207.400 người năm 2017. Tỷ lệ lao động tăng từ 1% (năm 2000) lên 7,8% (năm 2017) so với tổng số lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Theo VnMedia

(Visited 37 times, 1 visits today)