Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, NHNN đề xuất 2 phương án lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 6 hoặc 12 tháng so với quy định trước đó.
Phương án thứ nhất là tiếp tục giữ tỷ lệ tối đa của vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 40% đến 31/3/2021 và sẽ hạ dần theo tỷ lệ cũ trong các năm tiếp theo.
Với phương án thứ hai, các ngân hàng sẽ duy trì tỷ lệ 40% đến hết ngày 30/9/2021 và hạ dần sau đó.
Bên cạnh đó, do áp lực của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm. Do đó, để đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung dài hạn ổn định cho khách hàng, có thể xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn theo 02 phương án như sau: (i) Lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 06 tháng; (ii) Lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 01 năm. Cụ thể 2 phương án được đề xuất như dưới đây:
Phương án 1:
“ Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2021: 40%;
b) Từ ngày 01 tháng 4 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022: 37%;
c) Từ ngày 01 tháng 4 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023: 34%;
d) Từ ngày 01 tháng 4 năm 2023: 30%”.
Phương án 2:
“Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021: 40%;
b) Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022: 37%;
c) Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2023: 34%;
d) Từ ngày 01 tháng 10 năm 2023: 30%”.
Theo Tạp chí Công Thương