Đâu là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Cơ hội giao thương - Sản xuất công nghiệp quý 1/2019 đạt mức tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không bứt phá mạnh mẽ như quý 1/2018 nhưng vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý 1 các năm 2011 – 2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2019.
 
Theo Bộ Công Thương, chỉ số phát triển các ngành công nghiệp trong 3 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kịch bản tăng trưởng do Bộ Công Thương xây dựng. Trong đó, ngành khai khoáng khai tác vượt mục tiêu (giảm 2,1%), mục tiêu là giảm 4%, chủ yếu do khai thác dầu thô, khí đột tự nhiên giảm 6,3%.
 
Ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt và kịp thời, với mức tăng trưởng đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra 9,4% (mục tiêu là 9,5%).
 
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý 1/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý 1/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý 1 các năm 2012 – 2017. Đây vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế. 
 
Đưa ra nguyên nhân tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, do một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện nên phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2. Cùng với đó, Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng nhẹ khoảng 1,02%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
 
“Với kỳ vọng vừa ra mắt dòng điện thoại S10, số lượng điện thoại sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong tháng tới và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại (dự kiến khoảng đầu tháng 4 khởi động lại 100%), thì ngành Công Thương sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
 
Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 tháng đầu năm 2019 chủ yếu đến từ các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất như ngành sản xuất xe có động cơ; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, trong đó có một số ngành tăng trưởng rất cao như sản xuất kim loại (tăng 37,3%, sản xuất xe có động cơ (tăng 20,8%).
 
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất đã giảm từ mức 51,9 điểm trong tháng 1 xuống còn 51,2 điểm trong tháng 2/2019 và tăng lên 51,9 điểm trong tháng 3 cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Mặc dù có kết quả dưới mức trung bình của năm 2018, nhưng chỉ số PMI đã ở trên ngưỡng 50 điểm vào cuối quý 1.
 
Khu vực Asean cũng ghi nhận các điều kiện sản xuất tiếp tục xấu đi trong tháng 2. Chỉ số PMI toàn phần đã giảm từ 49,7 điểm của tháng 1 xuống 49,6 điểm trong tháng 2 báo hiệu sự suy giảm liên tục về các điều kiện kinh doanh trong hơn hai năm.
 
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Dù tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam là khá cao, tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu đến từ các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất”.
 
Nhiều dự án lớn sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp
 
Thông tin Bộ Công Thương cho biết, dự kiến, từ nay tới cuối năm một số dự án hoàn thành trong năm 2018 và năm 2019 sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2019 như thép Formosa Hà Tĩnh sẽ phát huy hết công suất với 7,5 triệu tấn/năm (năm 2018 mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn); thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép;
 
Dự án ô tô Vinfast đi vào sản xuất từ tháng 4/2019 có thể sản xuất vài chục nghìn xe ô tô tùy theo thị trường; dự án nhiệt điện Thái Bình với công suất 600 MW đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2019; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm.
 
Điển hình, đối với ngành dầu khí, tính chung 3 tháng đầu năm 2019, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 3,3 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 2,6 tỷ m3, giảm 2,4%; khí hóa lỏng ước đạt 307,9 nghìn tấn, tăng 37,8% so với cùng kỳ.
 
Nhà máy lọc hóa đầu Nghi Sơn sau khi đã phải dừng hoạt động do sự cổ xảy ra trong quá trình vận hành các tổ máy phát điện của Nhà máy vào ngày 24/2/2019 thì đến ngày 3/3/2019, công tác khởi động lại Nhà máy bắt đầu. Đến ngày 22/3/2019, toàn bộ các phân xưởng của Nhà máy đã hoạt động trở lại và sản xuất ra sản phẩm diezen.
 
Theo VnMedia
(Visited 10 times, 1 visits today)