Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%.
GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,17% so với năm 2017; tích lũy tài sản tăng 8,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế đang dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5%, bình quân giai đoạn 2016 – 2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011 – 2015. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện/GDP năm 2018 đạt 33,5%, đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 33 – 34%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua cũng có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017.
Tính theo giá so sánh, NSLĐ năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016 – 2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011 – 2015.
Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. GDP theo giá hiện hành năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần quy mô GDP năm 2011. GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98%.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác đã cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Bằng chứng, theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức mở rộng. Chỉ số này tăng từ mức 51,6 điểm trong tháng 3, tăng cao 55,7 điểm trong tháng 6 và đạt đỉnh 56,5 điểm trong tháng 11. Kết quả này báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh đã tăng suốt từ tháng 1/2016.
Cũng theo Nikkei, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng trong tháng 11, khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu vượt mục tiêu Quốc hội đề ra
Cũng liên quan đến tình hình kinh tế trong năm 2018, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 7%-8% và Nghị quyết 01 của Chính phủ là tăng 8%-10%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).
Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017 .
Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USDvà 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%.
Về thị trường nhập khẩu, tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,80 tỷ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỷ USD, tăng 11,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.
Trong năm 2018 có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 44,3%. Cụ thể, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 42,5 tỷ USD, tăng 12,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 33,7 tỷ USD, giảm 0,5%; điện thoại và linh kiện đạt 16 tỷ USD, giảm 2,6%; vải đạt 12,9 tỷ USD…
Như vậy, tính chung cả năm 2018 tiếp tục xuất siêu 7,2 tỷ USD , trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
Theo VnMedia
(Visited 53 times, 1 visits today)