Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra đất rừng tại hai xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 đến nay và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó.
Theo Kết luận này thì trong giai đoạn này, UBND huyện Sóc Sơn đã không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các kết luận của Thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp; UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý;
Ngoài ra, việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ tính riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Cho đến thời điểm này, huyện Sóc Sơn vẫn chưa thu hồi 2/10 sổ đỏ cấp không đúng đối tượng. Chủ sử dụng hai thửa đất trên đã chuyển nhượng đất và chính quyền Sóc Sơn lại làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ cho người mua vào năm 2009, 2017.
Huyện Sóc Sơn cũng đã ban hành 63 quyết định và thông báo thu hồi sổ đỏ của đất ở nằm trong quy hoạch rừng, nhưng thực tế chưa thu hồi, các hộ dân vẫn sử dụng để ở.
Cùng với đó, huyện Sóc Sơn không kiểm tra và xử lý với 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Sau khi UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, huyện không thống kê, không kiểm tra, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng, khiến tình hình phức tạp hơn, đặc biệt, là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan và lâm trường Sóc Sơn…
Và còn rất nhiều sai phạm khác cũng được nêu rõ tại kết luận này.
Tuy nhiên, trong phần kiến nghị xử lý, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn hai xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, Thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.
Vậy, lý do vì sao Thanh tra Thành phố chỉ đề nghị tháo dỡ đối với những công trình xây dựng giai đoạn 2017 – 2018? Đây là câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, trả lời câu hỏi này của báo chí, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ dẫn lại y nguyên phần kiến nghị trong Kết luận thanh tra mà VnMedia nêu ở trên, hoàn toàn không nói lý do vì sao lại có kiến nghị như vậy.
Về thời hạn chuyển cơ quan điều tra các trường hợp sai phạm như Kết luận Thanh tra đã nêu, Thanh tra Thành phố cho biết: “Ngay khi có chỉ đạo của UBND TP, Thanh tra TP sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thanh tra TP sẽ chuyển tài liệu đã thu thập được để cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.”
Về việc trong kết luận thanh tra không yêu cầu thời gian Sóc Sơn phải có phương án đề xuất với những sai phạm tồn tại trước đây thì liệu có lặp lại việc thanh tra xong lại rơi vào quên lãng hay không? Thanh tra Thành phố chỉ nói chung chung: “Việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra của UBND huyện Sóc Sơn sẽ được thực hiện theo quy định tại điều 10 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc thực hiện kết luận thanh tra. Đồng thời, Thanh tra Thành phố sẽ thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của UBND H.Sóc Sơn theo quy định tại điều 9 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP của Chính phủ”.
Theo VnMedia