Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương, Việt Nam bắt đầu giai đoạn tăng trưởng tốt

Cơ hội giao thương - Bộ Công Thương cho biết, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 đến nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực, tiếp đà đi lên. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét.

Trong bối cảnh đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 đến nay. Sản lượng tăng mạnh do số đơn đặt hàng mới đã tốt lên tháng thứ tư liên tiếp.

Theo S&P Global, tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 đã nhanh hơn so với tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011. Do vậy, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 nhanh hơn so với tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tháng 7 của đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sự hồi phục ở cả ba chỉ số là IIP tăng 9,6%, tiêu thụ chế biến – chế tạo thêm 13,4% và tồn kho giảm 17,8%. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thép thanh, thép góc tăng 31,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,0%; phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%…

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước.

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%…

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Sớm hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp

Mặc dù đã đạt kết quả tích cực, song theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa toàn diện khi còn 06 địa phương có chỉ số IIP giảm; một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm;

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao, chi phí logistics tăng cao… làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu; Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài;

Bên cạnh đó, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Sự tham gia mạnh của doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được cải thiện rõ nét.

Nhận định từ nay đến cuối năm, sản xuất công nghiệp của nước ta vẫn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý bởi bối cảnh trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương đã đề ra những giải pháp để phát triển sản xuất công nghiệp.

Đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để  sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản…; Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh;

Tăng cường phối hợp các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến chế tạo để mở rộng sản xuất như: xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm;

Trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; xem xét, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường cho ngành sản xuất trong nước (thép, phân bón, điện – điện tử…);

Cùng với đó, tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế (như World Bank, IFC, UNIDO…) nhằm thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Theo VietQ.vn

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương, Việt Nam bắt đầu giai đoạn tăng trưởng tốt (vietq.vn)

(Visited 12 times, 1 visits today)