Từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo
Tại buổi trao đổi với phóng viên ngày 10/11/2023, ông Lê Mạnh Cường- Tổng Giám đốc PTSC chia sẻ, thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, trong đó nhiên liệu hóa thạch dần được thay thế bởi năng lượng tái tạo, và thực hiện theo cam kết Net-zero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, PTSC đã chủ động tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng dịch vụ dầu khí, cũng như sẵn sàng cho các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo- điện gió ngoài khơi.
Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường: PTSC sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi
Hiện PTSC có hơn 10.000 lao động đang làm việc trong và ngoài nước, trên các giàn khoan và các tàu dịch vụ… Trên cơ sở phát huy các dịch vụ cốt lõi của mình, PTSC có khả năng thực hiện trọn vẹn cho một dự án dầu khí.
Tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi là mắt xích cuối cùng hoàn thiện chuỗi dịch vụ mà PTSC đã tiên phong tham gia, từ khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt đến bảo dưỡng các công trình điện gió gần bờ và trên đất liền. Đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của PTSC, phù hợp với định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam.
PTSC có hệ thống cảng kết hợp nhà xưởng có diện tích lên đến hơn 200 ha, cùng cầu cảng dài 1.000m lớn nhất trong khu vực, các cảng khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây sẽ là nơi PTSC thực hiện gia công chế tạo chi tiết cho các dự án điện gió ngoài khơi. Tổng công ty cũng vừa đầu tư 6 nhà xưởng mới dùng trong thi công chân đế điện gió với công nghệ hiện đại.
Bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội để đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi/năng lượng tái tạo ngoài khơi, PTSC cũng tham gia cung cấp dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi với vai trò là nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao.
Với vai trò nhà thầu, PTSC đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, 100% là các dự án xuất khẩu, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 4.000 người lao động trong 3-4 năm, từng bước đặt chân vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, PTSC đã được Orsted- Tập đoàn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới chọn làm nhà thầu cho dự án điện gió ngoài khơi, trở thành nhà cung ứng 33 chân đế cho các dự án của Orsted. Các chân đế này được chế tạo với công nghệ tiên tiến lần đầu tiên được triển khai thực hiện tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan của tập đoàn Orsted.
Trả lời câu hỏi lý do để Tập đoàn Orsted chọn PTSC làm nhà thầu cho dự án điện gió ngoài khơi, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường bật mí, để đạt được điều này, PTSC đã phải trải qua nhiều vòng đánh giá, sát hạch, kéo dài 10 tháng, lập hồ sơ, chào giá, đấu thầu cam go…
Điều quan trọng hơn cả là Orsted đã nhìn thấy ở PTSC có khát vọng, bởi năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới, không thể chọn dựa vào kinh nghiệp, mà phải chọn đơn vị có năng lực, có quyết tâm, rồi hỗ trợ để cùng nhau làm, chỉ như thế thì các nhà phát triển điện gió ngoài khơi mới có chuỗi cung ứng của riêng họ. Và cuối cùng, PTSC đã được Orsted đánh giá là có năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng nhu cầu chế tạo 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho gói thầu thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan- Tổng Giám đốc PTSC chia sẻ.
PTSC chế tạo 33 chân đế điện gió ngoài khơi cho các dự án tại Đài Loan của Tập đoàn Orsted
Cần sớm có cơ chế rõ ràng
Tổng giám đốc Lê Mạnh Cường cho biết, hiện PTSC đang thúc đẩy mạnh mẽ dự án đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Vừa qua, PTSC đã được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép khảo sát biển cho dự án điện gió ngoài khơi. Với việc được trao giấy phép khảo sát, PTSC hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được phép triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Xu hướng hiện nay, tất cả các tập đoàn dầu khí trên thế giới đều phải làm năng lượng tái tạo. Việc PTSC chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi là hướng đi phù hợp với chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời đây cũng là lĩnh vực mà PTSC nói riêng và cả Petrovietnam nói chung có lợi thế.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu điện sạch sang Singapore chưa có cơ chế rõ ràng. Mặc dù trong Quy hoạch điện 8 có nói phát triển năng lượng tái tạo không giới hạn về quy mô, nhưng nếu không có cơ chế rõ ràng thì vẫn sẽ rất khó khăn,
Thực tế, một dự án điện gió ngoài khơi thường phải mất tối thiểu từ 5-7 năm triển khai mới có thể phát điện thương mại. Nếu triển khai được dự án xuất khẩu điện sang Singapore, Việt Nam sẽ rất thuận lợi trong phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ cho nhu cầu trong nước. Vì một dự án điện gió ngoài khơi phải mất 1-2 năm khảo sát luồng gió, sau đó mới bắt đầu xây lắp ngoài biển, mất thêm 2-3 năm nữa.
Như vậy, với việc thực hiện dự án xuất khẩu điện sang Singapore, sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi cho chính trong nước, tiết kiệm được 4-5 năm, vì việc khảo sát luồng gió đã được dự án xuất khẩu điện sang Singapo thực hiện.
Bên cạnh đó, dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi xuất khẩu điện sạch sang Singapore sẽ như là một dự án thí điểm, góp phần tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi về sau của Việt Nam.
Hơn nữa, việc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi của PTSC là đang chứng minh cho quốc tế thấy, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết tại COP 26 về việc đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050- ông Lê Mạnh Cường nhấn mạnh.
Hiện PTSC đang tập trung thúc đẩy dự án xuất khẩu điện sang Singapore. Nhưng nếu không sớm có cơ chế rõ ràng cho dự án này thì sẽ không vay được vốn ngân hàng, và chúng ta sẽ để tuột mất cơ hội quý, bởi Singapore đang quyết liệt thực hiện chuyển dịch năng lượng tái tạo và họ không thể chờ đợi lâu được- Tổng giám đốc Lê Mạnh Cường nói.
Với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu thì nhu cầu về điện sạch của các quốc gia sẽ ngày càng gia tăng.Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn, về mặt kỹ thuật, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 599 GW. |
Theo VietQ.vn
Cần sớm có cơ chế cho dự án xuất khẩu điện sạch sang Singapo (vietq.vn)