Tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chậm đáng báo động!

Cơ hội giao thương - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, một trong những nhiệm vụ cơ bản là giải ngân nhanh và giải ngân có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, số vốn đã giải ngân cho giai đoạn 2016 - 2020 hiện vẫn chưa đạt một nửa kế hoạch, đây là một con số rất đáng báo động.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về việc thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 2019 được Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/6.

Tiến độ giải ngân vốn ODA đang rất chậm

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, các cấp, các ngành, địa phương và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện. Một trong những nhiệm vụ cơ bản là giải ngân nhanh và giải ngân có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

“Đây là một trong những các công việc quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, số liệu giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị
Thông tin của người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán NSNN của giai đoạn 2016 – 2019 là 244.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 115.700 tỷ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn.

Số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019, là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016 – 2019 và bằng 36,96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016 – 2020, nếu so với kế hoạch ban đầu là 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, thì mới giải ngân đạt 46%.

Cụ thể: Năm 2016 dự toán Quốc hội quy định là 50.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 42.552 tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán Quốc hội giao và bằng 88,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2017, dự toán Quốc hội giao là 74.034 tỷ đồng gồm kế hoạch vốn bổ sung trong năm là 14.034 tỷ đồng, giải ngân đạt 56.578 tỷ đồng, bằng 76,4% dự toán Quốc hội giao, bằng 78,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2018, dự toán Quốc hội giao là 60.226 tỷ đồng, giải ngân đạt 32.307 tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán Quốc hội giao và bằng 59% kế hoạch Thủ tướng giao.

Năm 2019, dự toán Quốc hội giao là 60.000 tỷ đồng, đã giao là 47,5 nghìn tỷ đồng, số còn lại Thủ tướng chưa giao là 12.500 tỷ đồng. Giải ngân 5 tháng đầu năm đạt 1.605 tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán Quốc hội giao và bằng 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đến hết năm 2019, còn 166.958 tỷ đồng chưa được giải ngân. Theo kế hoạch điều chỉnh của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2016 – 2020, thì số chưa giải ngân còn lại là 222.958 tỷ đồng. Đây là một con số rất đáng báo động.

Hạn chế trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn

Đưa ra nguyên nhân việc giải ngân chậm, Bộ Tài chính cho biết, do kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu. Cùng với đó, việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các Bộ ngành và địa phương hiện đang triển khai rất chậm. “Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều Bộ ngành và địa phương không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách”, Bộ Tài chính cho hay.

Bên cạnh đó, việc đưa vào Tabmis để Bộ Tài chính thực hiện kiểm soát chi ở các bộ ngành địa phương cũng vẫn còn chậm. Cá biệt có tới 5 địa phương vẫn chưa thực hiện việc nhập Tabmis là Hưng Yên, Thái Bình, Long An, Tây Ninh và Cao Bằng.

Theo Bộ Tài chính, việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như so với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ. Chỉ tính riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu, với nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34 ngàn tỷ đồng.

Đặc biệt, việc điều chỉnh kế hoạch vốn ở các dự án và các tiểu dự án diễn ra thường xuyên và liên tục ở tất cả Bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định là rất phức tạp qua nhiều cấp, dẫn đến thủ tục điều chỉnh bị kéo rất dài. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh thì đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân kéo theo nhiều thủ tục pháp lý rất phức tạp.

Trong khi đó, việc điều chỉnh kế hoạch tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện theo từng đợt. Từ đầu năm đến nay đã có 3 đợt đề xuất điều chỉnh với 350 dự án, nhưng đến nay các đề xuất này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong nhiều năm nay, việc rà soát, tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội và hoàn thành thủ tục điều chỉnh thường đến gần cuối năm mới hoàn thành dẫn đến dự án không còn thời gian triển khai.

Theo VnMedia

(Visited 19 times, 1 visits today)