Đưa trở lại Luật các quy định siết chặt giờ bán và quảng cáo rượu bia

Cơ hội giao thương - Trước thực trạng sử dụng rượu bia gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như tai nạn giao thông, bệnh tật hay bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ đưa trở lại các quy định về kiểm soát quảng cáo cũng như giờ bán rượu bia...

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 ngày 4/5/2019, vấn đề hệ lụy do sử dụng rượu bia đã được các phóng viên quan tâm, đặt câu hỏi cho Chính phủ và các Bộ, ngành.

Theo đó, phóng viên VnMedia đặt câu hỏi: Rượu bia là một thức uống gây nghiện đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ tai nạn giao thông mà còn là các loại bệnh tật, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục…, do vậy, việc xử phạt khi xảy ra hậu quả chỉ là giải quyết phần ngọn. Quan trọng nhất là phải có một dự luật đủ mạnh để kiểm soát việc quảng cáo, tiếp thị, hạn chế điểm bán, giờ bán… để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với rượu bia cũng như giảm lượng tiêu thụ loại thức uống gây nghiện này.

Tuy nhiên, hiện nay những điều khoản này đã bị đưa ra khỏi dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Trước thực tế hậu quả về tác hại của rượu bia đang khiến dư luận lo ngại, bức xúc, Chính phủ có đưa trở lại các điều khoản này vào Luật hay không?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, quan điểm của Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là cần quan tâm đến nội dung kiểm soát rượu bia, trong đó trọng tâm là vấn đề quản lý quảng cáo rượu bia và quy định giờ bán rượu bia. Nhưng vừa qua, hai quy định được coi là “biện pháp mạnh” này đã bị đưa ra khỏi dự thảo luật.

“Về vấn đề này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và hôm 24/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký một văn bản và hôm qua (3/5), lãnh đạo Bộ Y tế ký đã văn bản báo cáo cơ quan chức năng của Quốc hội đề nghị giữ lại nội dung quản lý việc kiểm soát quảng cáo và giờ bán rượu bia”, ông Cường thông tin.

Về tên gọi của Luật, ông Cường cho biết, tên cũ của dự thảo luật là Luật phòng chống tác hại của rượu bia, nhưng hiện nay nhiều ý kiến muốn đổi thành Luật phòng chống tác hại và kiểm soát rượu bia vì sức khỏe cộng đồng. Nhưng tên này thứ nhất là dài quá, thứ hai là không chỉ có hại cho sức khỏe mà rượu bia còn ảnh hưởng đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục… nên chúng tôi cũng đề nghị giữ lại đúng tên ban đầu của dự thảo luật là Luật phòng chống tác hại của rượu bia, xuyên suốt quan điểm của Bộ Y tế.

Sửa Nghị định tăng mức phạt sử dụng rượu bia trong giao thông

Cũng liên quan đến tác hại của rượu bia, phóng viên báo điện tử Zing.vn cũng đặt câu hỏi: Vừa qua ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tài xế có sử dụng rượu bia, khiến dư luận bức xúc. Nhiều chuyên gia và luật sư đã đề xuất xử lý các tài xế sử dụng rượu bia theo khung tội giết người. Đã nhiều nước trên thế giới áp dụng hình thức xử phạt này, thậm chí cả người cùng ngồi trên xe và người bán rượu bia cho tài xế gây tai nạn cũng bị xử phạt. Quan điểm của Chính phủ và Bộ Công an về vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật nói: Hiện nay, chúng ta đang có Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt. Vừa rồi, có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 này trong tháng 6/2019.

Theo VnMedia

(Visited 24 times, 1 visits today)