Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, liệu trà sữa, nước ép trái cây có bị áp thuế?

Cơ hội giao thương - Nếu nước giải khát có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ với một nhóm sản phẩm đồ uống có đường tạo nên sự phân biệt đối xử giữa nước giải khát có đường và các đồ uống, thực phẩm có chứa đường khác, đặc biệt là các loại đồ uống có đường pha sẵn trên thị trường.

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thứ XV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý.

Trong Dự thảo mới nhất gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chỉnh lý về lộ trình áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml, theo hướng quy định lộ trình: từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.

Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi ngày 9/5/2025

Liệu trà sữa, nước ép trái cây có bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt?

Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng, dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính bao quát, toàn diện.

Hơn nữa, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ với một nhóm sản phẩm đồ uống có đường tạo nên sự phân biệt đối xử giữa nước giải khát có đường và các đồ uống, thực phẩm có chứa đường khác, đặc biệt là các loại đồ uống có đường pha sẵn trên thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm giảm thiểu nguy cơ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định rằng, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra tình trạng thừa cân béo phì.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Tuy nhiên, việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm nước giải khát đóng gói sẵn có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn. Người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường tương đương hoặc cao hơn nhưng không thuộc diện chịu thuế. Ví dụ trà sữa, nước trái cây đường phố, cà phê pha sẵn. Những loại nước ngọt này vốn khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường.

“Chính sách này có thể vô tình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất thủ công, không chính thức, và những sản phẩm này rất khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm”- đại biểu Dung nêu quan điểm.

Ở một khía cạnh khác, Đại biểu Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam- cho rằng, dự thảo bổ sung thuế suất 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là “chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn”, có thể ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sản phẩm tự nhiên khác.

Bởi theo ông Khải, khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

“Thực tế, có khoảng 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến rất lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có thể bị coi là nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”- đại biểu Trần Văn Khải cho hay.

Đại biểu Mai Văn Hải- đoàn Thanh Hóa- nhận định, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có thể sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng đến người nông dân vì ngành sản xuất nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên như mía, dừa…

Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng nêu bất cập khi nhiều sản phẩm khác có lượng đường cao hơn nước ngọt nhưng lại không bị đưa vào diện đánh thuế, như bánh kẹo và nhiều mặt hàng khác.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu điểm bất hợp lý, cần xem xét cho phù hợp, đó là, hiện nay gây béo phì ở trẻ hiện nay có nhiều loại sản phẩm, nếu nói nước giải khát có đường gây béo phì thì chưa chắc. Ví dụ, hiện giới trẻ mê nhất là trà sữa và những quán ăn bên ngoài có nhiều thực phẩm ngọt bán tràn lan.

Theo đại biểu Hòa, việc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng nộp thuế như trường hợp nước giải khát có đường. “Việc này không đảm bảo tính công bằng, hợp lý, không đúng, và không trúng vì nước giải khát không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây nên bệnh thừa cân béo phì”- đại biểu Hòa chia sẻ.

Đề nghị lùi thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung kiến nghị trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội còn tiềm ẩn nhiều thách thức, sức mua suy giảm, khó khăn trong sản xuất kinh doanh…, việc đưa vào áp dụng chính sách mới, điều chỉnh tăng thuế suất nếu áp dụng quá sớm có thể khiến gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.

Đại biểu Dung kiến nghị lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế.

Nên áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn, ví dụ thay vì 8% thì có thể từ 3% – 7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.

Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị xây dựng lộ trình áp thuế theo hướng: Có thể lùi thời điểm áp thuế với mức khởi điểm thấp như 5-8% trong năm đầu, rồi tăng lên 10% vào các năm tiếp theo. Giải pháp này sẽ giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hài hòa lợi ích của các bên.

Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị đánh giá kỹ tác động và chưa nên đánh thuế với nước giải khát có đường vào thời điểm này.

Theo VietQ.vn

https://vietq.vn/danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-ngot-lieu-tra-sua-nuoc-ep-trai-cay-co-bi-ap-thue-d233239.html

(Visited 7 times, 1 visits today)