Xuất khẩu Việt Nam đạt nhiều kỷ lục, hàng hóa vươn tới hầu hết thị trường thế giới

Cơ hội giao thương - Năm 2018, xuất khẩu Việt Nam đã đạt được 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm cùng kỳ, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%). Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt.
Thông tin trên được đưa ra tại Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 vừa được Bộ Công Thương công bố.
 
Hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng
 
Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam, năm 2018, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng, cũng như những kỷ lục mới, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ rõ, xuất khẩu năm 2018 đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 – 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 – 10%). Tính theo giá trị tuyệt đối, xuất khẩu năm 2018 tăng thêm 28,36 tỷ USD so với  năm trước.
 
Cùng với giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đã vượt mốc 450 tỷ USD, đạt 480,19 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 52,05 tỷ USD) so với năm trước.
 
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng. Ảnh minh họa
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng. Ảnh minh họa
 
Theo thống kê của WTO, quy mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 xếp vị trí thứ 27 trên thế giới và quy mô nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp thứ hạng 25. Với kết quả ấn tượng của xuất nhập khẩu trong năm 2018 thì thứ hạng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có thể tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng, giữ vững vị trí trong số 30 nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất.
 
Cũng theo Báo cáo này, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong hoạt động xuất nhập khẩu và cũng là năm thặng dư cán cân thương mại của nước ta đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Mức thặng dư kỷ lục đạt được năm 2018 là gần 6,8 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD). Trong năm 2016, Việt Nam chỉ xuất siêu 1,78 tỷ USD.
 
“Với việc duy trì xuất siêu trong năm 2018, Việt Nam đã đạt xuất siêu trong 6 năm kể từ năm 2012 đến nay và chỉ duy nhất năm 2015 có cán cân thương mại thâm hụt. Kết quả này đã góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 thông tin.
 
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn
 
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 chỉ ra rằng, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011, có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2015 tăng lên thành 23 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 87%. Năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó, nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 6 mặt hàng, nhóm hàng công nghiệp đóng góp 21 mặt hàng và nhóm nhiên liệu, khoáng sản đóng góp 2 mặt hàng).
 
Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại và các loại linh kiện đạt 49,08 tỷ USD, tăng 8,4%; tiếp đến là hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ.
 
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt. Trong đó, mặt hàng gạo đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, bên cạnh thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước châu Mỹ, Trung Đông; sản phẩm gạo trắng cao cấp, gạo hạt tròn và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào những thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới.
 
Bên cạnh đó, mặt hàng rau quả đạt nhiều thành tích trong công tác mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường “khó tính” như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ; vải thiều vào thị trường Australia, Malaysia, EU (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan); thanh long, xoài vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; cam, quýt, thanh long vào thị trường Singapore…
 
Dệt may đạt mức tăng trưởng trên hai con số năm 2018 (đạt 30,5 tỷ USD, tăng 16,7%) với mức tăng trưởng cao tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (tăng 11,6%), Nhật Bản (tăng 22,6%), Hàn Quốc (24,9%), Trung Quốc (tăng 39,6%), EU (9,9%).
 
Tương tự, gỗ và sản phẩm gỗ và giày dép các loại cũng duy trì mức tăng trưởng tốt, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu của nhiều mặt hàng trên, xuất khẩu có mức tăng trưởng tốt và khá ổn định, không còn phụ thuộc lớn vào tăng trưởng xuất khẩu điện thoại.
 
Mặc dù điện thoại tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (49,08 tỷ USD) nhưng chỉ đóng góp 3,81 tỷ USD trong mức tăng chung 28,4 tỷ USD của xuất khẩu Việt Nam so với năm trước, chiếm 13,4%.
 
Theo VnMedia
(Visited 17 times, 1 visits today)