Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế- kiểm tra đối tác, cẩn trọng khi ký hợp đồng

Cơ hội giao thương - Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng mang đến cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội lớn, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thương mại quốc tế. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt. Để phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế, các Tham tán thương mại khuyến nghị doanh nghiệp cần kiểm tra đối tác, cẩn trọng khi ký kết hợp đồng.

Tiếp nối chuỗi Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ngày 30/11/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 11/2023 với chủ đề: “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế”, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về các quy định, nhận diện những rủi ro trong hoạt động thương mại; từ đó phòng tránh việc lừa đảo và tranh chấp thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu. 

Doanh nghiệp Việt thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế 

Ông Hoàng Minh Chiến- Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cùng với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

 Ông Hoàng Minh Chiến- Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội lớn song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. 

Các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm. 

Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị “sập bẫy” gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây. 

Bên cạnh đó, dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. 

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới. Hiện nay, nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, doanh nghiệp cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, doanh nghiệp không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.

Đặc biệt, lợi dụng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu đẩy mạnh xuất nhập khẩu nên có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong giao dịch. 

Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. 

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, Châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, Châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy…)- ông Hoàng Minh Chiến cho hay.

Những khuyến nghị cụ thể từ các Tham tán thương mại

Tham tán Thương mại tại các thị trường đều cho rằng, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro. 

 Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, do ở Canada, hồ sơ của các doanh nghiệp, tập đoàn đều được công khai trên mạng, nên các đối tượng dễ dàng lấy hồ sơ của các đơn vị uy tín của Canada gửi về Việt Nam để lừa đảo. Để làm tăng độ tin cậy, các đối tượng lừa đảo còn làm giả con dấu, thuê cả luật sư làm giả hồ sơ pháp lý chứng thực… Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần rất cẩn trọng, trước khi ký kết hợp đồng (HĐ), cần kiểm tra xác định lại đối tác thông qua Thương vụ Việt Nam nước sở tại. 

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, trong những HĐ mà doanh nghiệp Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch thì hầu hết đều là lừa đảo, vì các doanh nghiệp Canada nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục của nước sở tại. 

Tại thị trường Tây Ban Nha, ông Vũ Chiến Thắng- Tham tán thương mại chia sẻ, qua những lần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tại thị trường này, Thương vụ nhận thấy, tâm lý nhiều doanh nghiệp Việt nóng vội trong bán hàng, nên thường bị hớ trong HĐ ngoại thương, cam kết lỏng lẻo. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp còn không quan tâm đến công tác xác minh về năng lực, người đại diện pháp luật, doanh thu qua các năm của đối tác… Đây là những lý do khiến doanh nghiệp dễ bị lừa đảo trong thương mại quốc tế. 

Thương vụ tại Tây Ban Nha khuyến nghị, để phòng tránh rủi ro, doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác phải cung cấp hồ sơ bản sao có công chứng của nước sở tại, thảo luận kỹ về HĐ ngoại thương cho chặt chẽ, nâng tỷ lệ đặt cọc lên 35-40%; đồng thời, cần phối hợp với cơ quan thương vụ Việt Nam nước sở tại, và cung cấp đầy đủ thông tin cho Thương vụ, cả trước, trong và sau khi đã giải quyết xong vụ việc. 

Còn tại thị trường Italia, nhiều vụ doanh nghiệp Việt Nam bị lừa do HĐ ký kết quá sơ sài, không có chữ ký của bên đối tác, không có đặt cọc, nên không có cơ sở để kiện đối tác khi xảy ra tranh chấp. Do không kiểm tra xác định được năng lực của đối tác, nên có vụ việc khi xảy ra tranh chấp, Thương vụ đã đến tận trụ sở đối tác kiểm tra thì không thấy có hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam đặt mua… 

Bà Dương Phương Thảo- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Italia- khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên yêu cầu có đặt cọc, mức đặt cọc tùy vào sự xác minh tín nhiệm của đối tác, độ rủi ro trong trung chuyển; phải có điều khoản giám định hàng hóa trước khi kẹp chì, để tránh tình trạng giao hàng không đúng chất lượng theo yêu cầu; khi ký kết HĐ, chú ý Người ký HĐ bên đối tác phải có chức danh cụ thể. 

Nên sử dụng Môi giới trong giao dịch thương mại quốc tế. Khi ký HĐ môi giới phải có điều khoản: bên Môi giới phải có trách nhiệm xác minh đối tác, không nên dùng HĐ do bên môi giới gửi mẫu, vì trong đó sẽ có gài những điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp Việt; nên mua bảo hiểm cho lô hàng xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro; nên sử dụng công ty logistics, công ty thương mại trung gian uy tín, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, tăng độ an toàn. Cùng với đó, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm về thương mại quốc tế. 

“Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam nên làm quen với các nghiệp vụ tư vấn, coi đó là bạn đồng hành, là khoản đầu tư, chứ không nên chỉ sử dụng tư vấn khi có rủi ro xảy ra”- bà Dương Phương Thảo nói. 

Ông Nguyễn Mạnh Quyền- Trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ- chia sẻ, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn của nước ta, và cũng là nơi có nhiều vụ lừa đảo, không chỉ lừa đảo trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, mà còn lừa đảo đầu tư, dịch vụ, mua bán sáp nhập và hợp tác kinh doanh. Đây là bẫy đầu tư với các doanh nghiệp, tiềm ẩn rủi ro lớn. 

“Các thủ đoạn lừa đảo muôn hình vạn trạng, các đối tác kinh doanh là có thật, nhưng có những hành vi không minh bạch, nhưng không thể quy kết là lừa đảo, có thể dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam vào con đường nợ nần khó thoát ra được”- ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh và khuyến cáo, trước khi ký HĐ, doanh nghiệp cần kết nối trước với luật sư để xác định đối tác, rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. 

Theo ông Hoàng Minh Chiến, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác XTTM hỗ trợ doạnh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp phòng tránh lừa đảo, Bộ Công Thương yêu cầu các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại cũng như nhu cầu, thị hiếu để kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp; cập nhật, chia sẻ các tình huống gian lận, lừa đảo thương mại để cung cấp cho hiệp hội, doanh nghiệp tham khảo, đúc rút kinh nghiệm. 

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp nhu cầu hỗ trợ và kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế- ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.

Theo VietQ.vn

Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế- kiểm tra đối tác, cẩn trọng khi ký hợp đồng (vietq.vn)

(Visited 17 times, 1 visits today)