Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh mới

Cơ hội giao thương - Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã có những bước phát triển rõ nét. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp CNHT. Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành CNHT trong nước phát triển, bài toán nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 12/10/2023, ông Cao Văn Bình- Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng đối với việc cải thiện chất lượng sản phẩm, do vậy phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung, ngành CNHT nói riêng.

 Phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 54% dân số ở độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động rất trẻ và dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành như cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử…, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị.

Thực tế hiện nay chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao trong các ngành này tại Việt Nam thấp hơn so với các nước phát triển khác. Trong đào tạo ngành kỹ sư chế tạo ở các trường đại học, cao đẳng cũng thường ít hơn các ngành khác; Nhiều doanh nghiệp trong nước chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng nên có sự thiếu hụt về nhân lực có tay nghề cao, không chủ động nguồn nhân lực; Nguồn nhân lực hiện có do thiếu kinh nghiệm và chưa sáng tạo trong công việc, đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ mới.

Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao đã khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí sau khi tuyển dụng xong thì phải gần như đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn và mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp tình hình thực tế trong giai đoạn mới, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng- ông Cao Văn Bình nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT

Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển ngành CNHT, đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết về việc thúc đẩy phát triển CNHT,…

Hiện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Trung tâm đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt – Hàn (VITASK), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa Hà Nội… để tổ chức các chương trình đào tạo.

Điển hình như chương trình đào tạo hơn 400 chuyên gia về lĩnh vực tư vấn cải tiến sản xuất, thực hiện tư vấn hiện trường tại doanh nghiệp; đào tạo 100 chuyên gia tư vấn chuyển đổi số phát triển nhà máy thông minh; đào tạo 200 kỹ sư khuôn mẫu chất lượng cao; đào tạo hơn 200 kỹ thuật viên theo Chương trình “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, lập trình gia công khuôn mẫu ứng dụng công nghệ CAD/CAM/CAE-CNC và Đo kiểm cho kỹ thuật viên trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến và chế tạo”;…

Nhân lực chất lượng cao là bài toán sống còn cho doanh nghiệp nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng 

Đánh giá về xu hướng, nhu cầu nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao nói riêng trong các doanh nghiệp ngành CNHT cũng như các doanh nghiệp ngành cơ khí, ông Lê Quý Thành- Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang nhận định: ngành công nghiệp hỗ trợ có tính chuỗi, tính hệ thống và chuyên nghiệp cao, do vậy, nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ phải có nhiều kiến thức, am hiểu để đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của chuỗi; hơn nữa, nhân sự phải đảm bảo đủ năng lực vận hành hệ thống số để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Do vậy, nhu cầu về nguồn nhân sự chất lượng cao là tất yếu trong doanh nghiệp. Và người lao động đừng chỉ nghĩ mình đang làm việc ở một phòng nhất định, một ban nhất định mà phải đặt chúng ta đang trong một chuỗi giá trị và thậm chí đó là chuỗi giá trị của toàn cầu, cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn mà các tập đoàn đa quốc gia đặt ra- ông Lê Quý Thành chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phùng Anh Tuấn- Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam khẳng định, nhân lực chất lượng cao là bài toán sống còn cho doanh nghiệp nếu muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phùng Anh Tuấn phân  tích, theo xu hướng về chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn của các doanh nghiệp và tập đoàn trên thế giới trong xu hướng chuyển dịch này. Sự chuyển dịch này vừa tạo ra cho chúng ta cơ hội và vừa có cả thách thức.

Ngoài những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và khát khao về vấn đề công nghệ thì các tập đoàn còn đưa ra tiêu chuẩn về ESG- là tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề về môi trường, trách nhiệm xã hội và phải có một hệ thống quản trị bài bản. Đây là một trong những thách thức mà doanh nghiệp muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu  phải có những bước đi bài bản. Để làm được điều đó thì cần phải có một nguồn năng lực sẵn sàng, có thể đáp ứng theo đúng những yêu cầu, tiêu chuẩn của các tập đoàn khi họ chuyển dịch sang Việt Nam – ông Phùng Anh Tuấn  nhấn mạnh.

Đề cập đến khó khăn của doanh nghiệp CNHT trong thu hút và phát triển nguồn nhân lực, ông Cao Văn Bình cho hay, cần có sự phối hợp chia sẻ thông tin từ phía các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo về nhu cầu tuyển dụng để liên kết chặt chẽ hơn, tạo việc làm cho các lao động có tay nghề, trình độ cao. Mặt khác, tại doanh nghiệp, đôi khi mức độ tiền lương hoặc kinh phí chi trả cũng chưa hấp dẫn, dẫn đến hạn chế trong tuyển dụng được lao động chất lượng cao. Mong rằng, các doanh nghiệp cũng cần có các cơ chế, giải pháp để làm sao thu hút được nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao này phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của mình- ông Cao Văn Bình nói.

Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành CNHT, cần xây dựng cơ chế, ưu đãi khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sớm hóa giải các thách thức về nguồn nhân lực, góp phần phát triển ngành CNHT xứng với tiềm năng và cơ hội mới đang đặt ra.

Theo VietQ.vn

Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh mới (vietq.vn)

(Visited 34 times, 1 visits today)