Báo cáo phát hành ngày 1/10/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái, kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều trở ngại trong nước và bên ngoài trong năm 2023. GDP và thương mại toàn cầu yếu đi làm suy giảm sức cầu bên ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Đồng thời, sức cầu trong nước cũng chững lại nhưng dự kiến vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại bên ngoài, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn được cải thiện.
Trong dài hạn, Việt Nam có tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu đó, Việt Nam cần nâng cao năng suất qua cải thiện các nền tảng căn bản của khu vực tài chính, xử lý những ách tắc về thể chế trong đầu tư công nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân trong nước hoạt động hiệu quả hơn, bên cạnh việc xử lý những rủi ro về biến đổi khí hậu và bền vững môi trường.
Báo cáo của WB cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng giảm từ 6,1% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 2,7% trong nửa đầu năm 2023, do lòng tin của người tiêu dùng yếu đi và tăng trưởng thu nhập khả dụng thực chững lại.
Tăng trưởng đầu tư giảm từ 3,9% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 1,1% trong nửa đầu năm 2023, do đầu tư của tư nhân trong nước suy yếu, trong khi đầu tư công tăng lên chỉ bù đắp được phần nào.
Tăng trưởng khu vực công nghiệp giảm còn 1,1% trong 6 tháng đầu năm 2023 so với 7,7% trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng xuất khẩu suy giảm.
Tăng trưởng kinh tế chững lại gây ảnh hưởng đến tình hình thị trường lao động. Qua khảo sát vào tháng 4/2023, 60% doanh nghiệp cho biết họ phải cắt giảm lao động ít nhất ở mức 5%. Tăng trưởng thu nhập khả dụng thực chững lại trong nửa đầu năm 2023 (ở mức 3,4% so cùng kỳ năm trước).
Mặc dù gặp nhiều trở ngại bên ngoài, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn được cải thiện trong quý 1/2023, khi tài khoản vãng lai thặng dư ở mức 1,5% GDP. Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện do nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu, phần nào do kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trung gian giảm xuống. Bên cạnh đó, thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ được thu hẹp khi du khách quốc tế quay lại.
Tài khoản tài chính vẫn đạt thặng dư do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn đứng vững. Cán cân thanh toán tổng thể đạt thặng dư đã tạo điều kiện giúp Ngân hàng Nhà nước tích lũy dự trữ ngoại hối đạt 88,7 tỷ USD sau khi kết thúc nửa đầu năm 2023 (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu). Để xử lý tình trạng tăng trưởng chững lại, Ngân hàng nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền để để hỗ trợ các hoạt động kinh tế.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do sức cầu trong nước và bên ngoài yếu đi, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.
Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Lạm phát CPI bình quân trong năm ước đạt 3,5%, do tăng lương công chức, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025.
Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện, nhờ xuất khẩu phục hồi ở mức khiêm tốn, số lượt du khách quốc tế tiếp tục phục hồi, nguồn kiều hối vẫn đứng vững. Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn nghèo cho quốc gia thu nhập trung bình thấp) được dự báo giảm từ 3,2% trong năm 2022 xuống còn 3,0% trong năm 2023- chuyên gia của WB dự báo.
Theo VietQ.vn
WB: Việt Nam cần nâng cao năng suất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi (vietq.vn)