Sản xuất, phân phối xanh là điều bắt buộc với doanh nghiệp
Tại tọa đàm “Sản xuất và phân phối xanh – Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 30/8/2023, ông Cù Huy Quang- Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trên thế giới và trong các khu vực, đặc biệt là những khu vực có những tiêu chuẩn nâng cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và quy định trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, đây trở thành điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta.
Sản xuất và phân phối xanh- Xu hướng tất yếu để cạnh tranh toàn cầu
Ông Nguyễn Hoàng Huân- Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin (VITE) cho rằng, xu hướng sản xuất xanh, sạch là xu hướng tất yếu. Chính vì vậy, việc nó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp là đương nhiên. Ở đây, nó sẽ ảnh hưởng theo cả hai hình thức là chủ động và bị động. Chủ động là việc sản xuất xanh, sạch bây giờ không thể đơn giản là một công đoạn, một giai đoạn nào trong một chuỗi sản phẩm mà là một quá trình hình thành ngay từ khi bắt đầu đến triển khai và kết thúc dự án.
Về tác động theo hướng bị động, ông Nguyễn Hoàng Huân phân tích: trong quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn, các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp sản xuất than nói riêng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng và từ đó góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn; đồng thời, giúp cho hiệu quả dự án và uy tín của doanh nghiệp cũng được nâng cao; các sản phẩm sản xuất ra cũng có tính cạnh tranh cao hơn trong thị trường hiện nay..
Từ góc độ từ một doanh nghiệp bán lẻ, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng- Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng hiện nay, nhất là các bạn trẻ, rất chủ động trong việc tìm kiếm, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững hơn. Họ không dùng hộp xốp, mà muốn mua xôi đựng bằng hộp bã mía… hoặc là họ sẽ chủ động lựa chọn những thương hiệu có trách nhiệm hơn với xã hội.
Còn về phía doanh nghiệp, nếu có những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ, thân thiện hơn với môi trường, những giải pháp mới và có cách truyền tải thông điệp, ý nghĩa hiệu quả đến người tiêu dùng thì người tiêu dùng cũng có thể thay đổi lựa chọn, thay đổi hành vi tiêu dùng. Có sự tác động hai chiều giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh
Ông Cù Huy Quang cho biết, thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh.
Cụ thể, đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; mô hình thu gom, tái chế; mô hình tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, ngành nghề… Trong lĩnh vực tiêu dùng, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và thay đổi thói quen của người tiêu dùng tại các siêu thị, chợ đầu mối…
Ông Nguyễn Hoàng Huân- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tin học, công nghệ, môi trường – Vinacomin (VITE), đơn vị tư vấn của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn cho một đơn vị thuần sản xuất, khai thác khoáng sản, VITE đưa ra các giải pháp dài hạn và ngắn hạn. Cụ thể như lập các đề án bảo vệ môi trường cho khai thác than trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh; phương án xử lý bãi thải mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2030.
Ngoài ra, triển khai xử lý các sản phẩm sau quá trình khai thác gồm nước thải và đất, đá thải, phát triển kinh tế rừng trên các khu vực bãi thải sau khai thác. “Tập đoàn chuẩn bị quỹ đất, khu bãi thải rộng lớn và đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao tốc độ sinh khối của các loại giống cây trồng trên đất, đá thải, từ đó tạo hạ tầng tốt trong tương lai. Khi thị trường kinh doanh khí carbon đi vào vận hành thì Tập đoàn có thể tham gia ngay từ đầu”- ông Huân chia sẻ.
Còn theo bà Hưng, chính xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng mạnh mẽ đã tác động đến doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.
Chẳng hạn, MM Mega Market thực hiện không phát túi nilon cho khách hàng tại quầy tính tiền, đưa ra những giải pháp cho khách hàng, như thùng carton để khách hàng đựng, túi mua hàng sử dụng nhiều lần, túi nilon phân hủy sinh học…; đồng thời kết hợp với những nhà sản xuất lớn hay những đối tác lớn như là Tetra Pak Việt Nam hoặc là TBC-Ball Việt Nam và sắp tới sẽ kết hợp với cả bên Alta Plastics để đặt hệ thống thùng thu gom vỏ hộp sữa, lon nhôm, chai nhựa- bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng cho hay.
Lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô của doanh nghiệp
Theo ông Cù Huy Quang, khi áp dụng quá trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam có những lợi thế nhất định. Đó là nắm bắt được xu thế của thế giới, đó là định vị được thương hiệu của Việt Nam, định vị thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp khi đưa ra trường thế giới. Đặc biệt là có thể chiếm lĩnh được thị trường, chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng…
Tuy nhiên, khi chúng ta chuyển đổi sang sản xuất xanh thân thiện với môi trường, hướng đến sức khỏe của con người thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Ông Cù Huy Quang cho rằng, khó khăn đầu tiên là phải lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp, hay nói cách khác phải lựa chọn được công nghệ phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp.
Khó khăn thứ hai của các doanh nghiệp đó là vốn đầu tư. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn đầu tư thấp. Các doanh nghiệp rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp.
Khó khăn thứ ba là các doanh nghiệp hiện nay cũng gặp đó là những chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất xanh còn hạn chế. Đấy là những khó khăn tôi nghĩ là những doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất bền vững, sản xuất xanh gặp phải trong quá trình chuyển đổi của mình.
Để đáp ứng được những thách thức trước mắt đặt ra, Nhà nước cần phải hoàn thiện những chính sách, những khung pháp lý hỗ trợ được các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất xanh để hướng đến phát triển bền vững; đồng bộ hóa trong những chính sách ưu tiên phát triển sản xuất xanh trong các ngành, các lĩnh vực.
Chúng ta có thể ưu tiên cho những lĩnh vực, những ngành áp dụng công nghệ xanh, sạch. Chúng ta cũng có thể thúc đẩy doanh nghiệp từ những chính sách ưu tiên để chúng ta ưu tiên cho những doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh cũng như những doanh nghiệp bán lẻ phân phối xanh, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, phương pháp, phương thức xanh hóa trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình tiêu dùng- ông Cù Huy Quang phân tích.
Theo VietQ.vn
Sản xuất và phân phối xanh- Xu hướng tất yếu để cạnh tranh toàn cầu (vietq.vn)