Tồn kho bất động sản tiếp tục tăng, hàng chục ngàn tỷ đồng bị đóng băng

Cơ hội giao thương - Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2023, lượng tồn kho tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Thị trường bất động sản trầm lắng 

Lĩnh vực bất động sản trong quý II/2023 vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn về thể chế, pháp lý các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu,… và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương. 

Cụ thể, theo khảo sát, lượng tìm mua bất động sản toàn quốc tính đến hết quý II năm 2023 giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán bất động sản cũng giảm khoảng 44% (lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022). Tình hình giao dịch trong quý trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án, trong quý II/2023, phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án được nhà đầu tư quan tâm chủ yếu mang tính chất đầu cơ, người mua không còn quan tâm như trước. Nhiều nhà đầu tư đang gặp vấn đề về dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và chủ đầu tư ngưng hỗ trợ lãi suất cho vay, trong khi thị trường có tính thanh khoản giảm mạnh, dẫn đến nhiều giao dịch mang tính bán cắt lỗ ngày càng mạnh. 

Giá bán của phân khúc bất động sản biệt thự ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm. 

Giá bán của phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới. Giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao, nhưng thanh khoản thị trường trầm lắng, gần như không ghi nhận phát sinh giao dịch. 

Phân khúc liền kề, shophouse: mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với quý trước và cùng kỳ năm trước, hiện tại vẫn dao động khoảng từ 6,1 đến 16,3 tỷ đồng/căn liền kề, shophouse tùy diện tích từng căn và từng khu vực. 

Phân khúc condotel cũng đang gặp tình trạng thanh khoản chững lại, hầu hết dự án ít phát sinh giao dịch, theo khảo sát của một số tổ chức thì lũy kế đến hết quý II năm 2023 có khoảng 700 căn tồn kho. Mặt bằng giá sơ cấp có xu hướng giảm 3% – 6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn lượng giao dịch tập trung vào những dự án đã bàn giao nhà, có pháp lý hoàn thiện với mức giá bán khoảng từ 1,5 – 5 tỷ đồng/căn tùy diện tích từng căn và từng khu vực.

Nhận định lượng tồn kho bất động sản tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, Bộ Xây dựng cho biết, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. 

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II/2023, để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành một số cơ chế chính sách, Công điện trong chỉ đạo với nhiều biện pháp giải quyết rất cụ thể và quyết liệt.

Điều đó cho thấy, Chính phủ đã rất quyết liệt, kịp thời hành động trong bối cảnh những khó khăn phát sinh cần khẩn trương khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng và giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, hiệu quả, an toàn, lành mạnh và bền vững.

Qua đó đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, tuy nhiên, các kết quả cụ thể giải quyết được khó khăn, vướng mắc cần phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp hơn nữa, đặc biệt là địa phương và doanh nghiệp cần chủ động đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng dự án bất động sản và tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm.    

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; tiếp tục khẩn trương, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề xuất giải pháp cụ thể hơn nữa nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cho thị trường bất động sản.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể…

Bộ Tài chính tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đề xuất kịp thời các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế về doanh nghiệp phát hành trái phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục quyết liệt trong triển khai thực hiện việc chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần khác tích cực tham gia thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, loại bỏ tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế nói chung và việc tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các dự án, thị trường bất động sản nói riêng trên địa bàn…

Theo VietQ.vn

Tồn kho bất động sản tiếp tục tăng, hàng chục ngàn tỷ đồng bị đóng băng (vietq.vn)

(Visited 27 times, 1 visits today)