Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh
Bộ Công Thương cho biết, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng do 2 tháng đầu năm xuất khẩu giảm mạnh nên tính chung quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%).
Trong quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý I/2023 đạt 6,86 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo quý I/2023 suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh.
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết mặt hàng trong nhóm đều giảm so với quý I/2022. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 13 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4%; giày dép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 18,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; Sắt thép các loại đạt 1,63 tỷ USD, giảm 28,8%.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết đối tác thương mại lớn của nước ta trong quý I/2023 đều giảm. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD, chiếm 26% tổng KNXK và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 11,54 tỷ USD, giảm 13,8%; thị trường EU đạt 10,37 tỷ USD, giảm 10,8%; Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 5,5%.
Phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh XTTM, phục hồi đà tăng trưởng xuất khẩu
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu của nước ta do kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Nhằm phục hồi lại đà tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu…
Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; Tập trung đổi mới và tăng cường hoạt động XTTM. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, cần thực hiện các giải pháp phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn. Cụ thể, thực hiện hiệu quả các Chương trình XTTM thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động XTTM, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa thiết yếu.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN phục hồi, phát triển sản xuất. Tập trung vào các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục thực hiện giãn hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp…), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Theo VietQ.vn