Hơn 65% doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn có lãi
Theo báo cáo “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện từ ngày 9/10/2018 đến ngày 9/11/2018, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “có lãi” chiếm 65,3%. Trong đó, khối doanh nghiệp chế tạo, xuất khẩu có thành tích kinh doanh tốt và doanh nghiệp ở khu vực Bắc Bộ có tỷ lệ lãi cao hơn so với các khu vực khác.
Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ có lãi đối với doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức trên dưới 80%. Tại Việt Nam, 58,7% doanh nghiệp ước tính lợi nhuận kinh doanh trong năm 2019 sẽ được cải thiện. Đây là những con số rất lạc quan so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam báo lỗ 52%.
Đáng chú ý, khoảng 69,8% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có phương châm “mở rộng kinh doanh”, so với nước khác, khả năng mong muốn tiếp tục mở rộng là tương đối cao (Trung Quốc tỉ lệ 48,7%, Philippines 52,4%, Indonesia 49,2%…).
Ngay với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 cũng có 67,1% doanh nghiệp có phương châm mở rộng. Điều đó cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng.
Khi được hỏi lý do của việc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản cho biết “tăng doanh thu” là lý do lớn nhất.
Theo JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng doanh thu tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng, làm ăn ở Việt Nam ngày càng có lãi hơn. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có khả năng tăng trưởng cao và tiềm năng lớn.
Đưa ra lợi thế lớn nhất của Việt Nam, JETRO cũng cho biết, đó là quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng. Cùng với đó, so với các nước khác, chi phí nhân công rẻ cũng là lợi thế được các doanh nghiệp Nhật Bản đề cập.
Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư
Phát biểu tại buổi họp báo công bố “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hai năm 2017 và 2018, Nhật Bản liên tục là nhà đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam theo hướng bền vững.
Đặc biệt, năm 2018, đánh dấu một mốc rất ý nghĩa – 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và 45 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản không ngừng phát triển và trở thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”.
Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Đánh giá về kết quả khảo sát của JETRO, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, kết quả khảo sát đã phản ánh thực tiễn, khách quan các hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, không chỉ cụ thể trong từng ngành, nghề mà còn ở từng vùng miền của Việt Nam. Với số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động có lãi tăng lên hơn 65% cho thấy tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và pháp luật liên quan nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Nhật Bản.
Bên cạnh đó, rà soát, cắt giảm những điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, cải thiện hệ thống quản lý thuế, quy trình xử lý các thủ tục hải quan, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mục tiêu đến năm 2025, đưa Việt Nam vào top 3 ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo VnMedia
(Visited 25 times, 1 visits today)