Sáng 4/1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành kế hoạch và đầu tư. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tích cực chủ động, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ lớn
Báo cáo với Thủ tướng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội Việt Nam đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng.
Ước cả năm 2022 đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6 – 6,5%).
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp lớn; soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng giúp Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ được giao, hoàn thành nhiều đề án, báo cáo lớn theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến ngày 31/12/2022, Bộ đã hoàn thành 565/565 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trình 54/54 đề án được giao trong Chương trình công tác năm 2022 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, về triển khai, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ KH&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với phương châm hành động 16 chữ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Về công tác đầu tư công, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 584/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó có giao kế hoạch năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Về tham mưu cơ chế phát triển các địa phương và vùng lãnh thổ, Bộ chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho địa phương gồm: Cần Thơ, Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đăk Lăk; tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế – xã hội.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Cùng với đó, Bộ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025” và ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2025”. Bộ cũng đẩy mạnh các chương trình kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về công tác triển khai lập quy hoạch, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về việc hoàn thiện “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Về triển khai lập quy hoạch vùng, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Triển khai lập quy hoạch tỉnh của toàn bộ 63/63 tỉnh/thành phố cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, trong đó, có 47 quy hoạch tỉnh được lập (bao gồm 2 quy hoạch đã được phê duyệt), 11 quy hoạch tỉnh đã thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ chờ phê duyệt, 44 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định.
Về công tác thống kê, Bộ đã bảo đảm thông tin thống kê đầy đủ, kịp thời để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành kinh tế – xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Hoàn thành bảo đảm chất lượng và công bố thành công các báo cáo tình hình kinh tế – xã hội hàng tháng, hàng quý.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đã thực hiện nhiều công tác khác, như quản lý và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tăng trưởng xanh…
Đặc biệt, Bộ đã bám sát và cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; xác định những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, chủ động để xuất các giải pháp phù hợp để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu chiến lược
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành kế hoạch đầu tư và thống kê, đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu của đất nước ta trong năm 2022.
Nhấn mạnh ngành KH&ĐT là ngành có truyền thống lâu đời của đất nước và có tầm quan trọng đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Bộ KH&ĐT đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước năm 2022, thể hiện ở việc tham mưu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, Bộ bám sát, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước để thực hiện vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô, có sản phẩm cụ thể, hiệu quả lượng hóa được.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao việc thúc đẩy liên kết vùng; cắt giảm gần 5.000 dự án để có tiền đầu tư cho hạ tầng, hạn chế dàn trải đầu tư công. Thêm vào đó, Bộ KH&ĐT cũng nắn dòng đầu tư công đi đúng trọng tâm, trọng điểm; thu hút nguồn lực ngoài nhà nước như vốn FDI. Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT cũng tích cực quan tâm, trăn trở tới chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; thể chế hóa Nghị quyết của Đảng; xây dựng một luật để điều chỉnh nhiều luật, tập trung sửa đổi Luật Đầu tư, Luật HTX, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Hợp tác công tư không chỉ ở lĩnh vực giao thông mà cần nhân rộng ra ở quản lý công viên, trụ sở, sân vận động, quản lý nhà khách…. đều có thể hợp tác công tư được; Bộ KH&ĐT và các cấp, ngành cần phải nghĩ mở rộng ra”. Thủ tướng cũng nêu rõ vai trò của Bộ KH&ĐT trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. FDI giải ngân nhiều là do môi trường đầu tư thông thoáng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức như cần huy động nguồn lực ngoài xã hội nhiều hơn nữa, làm sao nắm chắc tình hình nhưng phản ứng chính sách thật nhanh; công tác truyền thông chính sách cần tốt hơn, đi vào lòng người hơn bởi vẫn còn nhiều người đặt câu hỏi tại sao lạm phát thấp, GDP tăng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản lại ảm đạm… “Cần đẩy mạnh truyền thông, chia sẻ, tạo sự đồng thuận trong xã hội” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đảm bảo. Việc quan trọng nhất là tiếp tục làm tốt công tác tham mưu chiến lược để thực hiện được mục tiêu về kinh tế – xã hội.
Theo đó, cần sát sao diễn biến tình hình khu vực và thế giới; nhận diện rõ thời cơ, thách thức; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động trong và ngoài nước; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả. Thủ tướng phân tích, qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là hết sức quan trọng; có nền kinh tế độc lập, tự chủ thì mới có điều kiện để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mặt khác, Việt Nam đang chuyển trạng thái trong quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác, từ giai đoạn các đối tác chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, sang giai đoạn hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi.
Nhiệm vụ lớn thứ ba được Thủ tướng lưu ý là tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tham mưu thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động tổng hợp, bám sát các xu thế như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nâng cao hơn nữa vai trò kiến tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thành cơ sở vật chất cho trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Tiếp tục tham mưu xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đang quản lý; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thống kê, với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch, số liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực. Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây đầu tư các tuyến cao tốc chỉ do Bộ Giao thông vận tải triển khai, nhưng trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã bố trí được số vốn lên tới 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước, nếu làm theo cách trước đây thì không thể thực hiện được. Thực tiễn đã cho thấy cách làm mới là phù hợp, hiệu quả, bởi nếu được phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ thì các tỉnh, thành phố rất phấn khởi và có động lực để triển khai vì các dự án cao tốc gắn liền với sự phát triển của địa phương.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt ngành kế hoạch và đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đổi mới cải cách, nâng cao năng lực về mọi mặt theo phương châm “đã tốt phải tốt hơn, đã nhanh phải nhanh hơn”, nâng cao năng lực dự báo, thích ứng với các tình huống phát sinh, chủ động “nắm bắt cơ hội hướng tới tương lai”, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, năm 2023 đạt kết quả cao hơn năm 2022.
Theo VietQ.vn