Những năm qua, các doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh khác trong lĩnh vực VHTTDL được thành lập ngày càng nhiều về số lượng, đa dạng về quy mô và hình thức hoạt động. Lực lượng này đã góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, trong hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực VHTTDL vẫn còn nhiều hạn chế. Pháp luật được ban hành nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt đã ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Việc hiểu biết pháp luật hạn chế đã làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng, gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ta trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
Cụ thể, Bộ đã thực hiện lồng ghép công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong nhiều hoạt động: từ xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến thanh kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ VHTTDL cũng thường xuyên thực hiện việc duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ (www.bvhttdl.gov.vn), một số cơ quan báo chí thuộc Bộ để doanh nghiệp tra cứu, khai thác thông tin, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ VHTTDL cũng được thực hiện đa dạng, phù hợp với từng đối tượng hỗ trợ như tổ chức các Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đối tượng làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và cán bộ pháp chế của doanh nghiệp; đối thoại với doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến khía cạnh pháp lý; biên soạn và phát hành tài liệu về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ;
Khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ tại một số địa phương; thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ đã hướng dẫn lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các hoạt động VHTTDL từ Trung ương đến địa phương, qua tuyên truyền cổ động trực quan, xây dựng kịch bản sân khấu, tiểu phẩm, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bản quyền tác giả…
Các đơn vị nghệ thuật, thiết chế văn hóa – thể thao, cơ quan, liên đoàn, hiệp hội, hội đoàn thể đã lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật trong các chương trình, hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao phù hợp với thực tế cơ sở;
Phát huy các sáng tác, biểu diễn nghệ thuật có chủ đề, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật với hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp nhóm đối tượng, địa bàn; chú trọng đối tượng đặc thù, yếu thế, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng được thay đổi đề phù hợp với tình hình và đảm bảo hiệu quả. Cụ thể, hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu được Bộ triển khai là xây dựng, biên soạn, đăng tải tin, bài tại mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, thực hiện kết nối với Trang tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp; thực hiện các hoạt động truyền thông, viết tin, bài về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên các báo, tạp chí của ngành, báo chuyên ngành về pháp luật, kinh doanh.
Các tin, bài chủ yếu cung cấp thông tin về chính sách, quy định mới nhất liên quan đến doanh nghiệp, người lao động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, biểu diễn nghệ thuật… Bộ đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các Luật để phù hợp hơn với thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa của Bộ VHTTDL đã nâng cao vị thế và mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, đồng thời góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật.
Theo VietQ
Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa (vietq.vn)