Đảm bảo chất lượng, minh bạch thông tin- mấu chốt thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

Cơ hội giao thương - Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm rất nghiêm túc và rõ ràng. Để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cần được nâng cao, đặc biệt là phải minh bạch hóa thông tin về quy trình sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt mã số vùng trồng.

Những điều cần lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

Ngày 10/12/2022, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản – thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.

Tại diễn đàn, ông Trần Văn Cao- Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ông Trần Văn Cao- Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam: Diễn đàn nhằm kịp thời cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nắm vững các quy định của thị trường Trung Quốc.

Theo đó, một trong những yêu cầu của các quy định này là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý về ATTP và truy xuất nguồn gốc.

Chương trình nhằm giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để việc sản xuất cũng như xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân được thuận lợi- ông Trần Văn Cao cho hay.

Chia sẻ một số lưu ý về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các mặt hàng chanh leo, sầu riêng, khoai lang, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”- TS. Phan Thị Thu Hiền thông tin.

Để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung  Quốc, doanh nghiệp cần tuân thủ những yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ NN&PTNT sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

Còn đối với các cơ sở đóng gói, cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác. Đồng thời, phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…

Bên cạnh đó, trên hộp ghi dòng chữ tiếng Trung hoặc tiếng Anh: “Exported to the People’s Republic of China”.

Khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và phải có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ ISPM 15. Container chứa khoai lang phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phải được khủ trùng.

TS. Phan Thị Thu Hiền cho biết, Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện đất, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.

Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác, hoặc tìm thấy tàn dư thực vật, lô hàng sẽ được xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.

Cần kiểm soát chặt mã số vùng trồng đối với nông sản xuất khẩu.

Đảm bảo chất lượng, minh bạch thông tin

Khẳng định thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng; những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm này rất nghiêm túc và rõ ràng, ông Đinh Gia Nghĩa- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng, Trung Quốc là thị trường quan trọng của ngành nông sản, có sức mua lớn. Tuy nhiên hiện nay, với thị trường này chưa có xúc tiến thương mại đầu tư tập trung hơn để xứng đáng với quy mô.

Ông Đinh Gia Nghĩa cho rằng, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao, đồng thời kiến nghị: cần sớm khuyến cáo đến nông dân về quy định dư lượng thuốc BVTV của Trung Quốc, điều này sẽ thuận lợi cho công tác xuất khẩu về sau.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Phương Hoa- đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đối với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khắt khe và liên tục cập nhật, bổ sung mới.

Ths. Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết, cần minh bạch hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn VietGAP là các điều kiện và quy định về hoạt động của cơ sở sản xuất; Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi cho người sản xuất; An toàn lao động và điều kiện làm việc. Đánh giá về những mối nguy tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về phúc lợi xã hội đối với người sản xuất và tiêu chuẩn truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Nhấn mạnh đến yêu cầu phải minh bạch hóa thông tin, ông Lê Thanh Hòa- Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng các địa phương cần tăng cường phối hợp một cách chặt chẽ với Cục BVTV để có thể minh bạch hóa từng thông tin cụ thể về mùa vụ.

“Từng vùng, từng địa phương từ Đăk Lăk, Đăk Nông đến Tiền Giang, Bến Tre cần minh bạch hóa thông tin về thời gian, sản lượng từng vụ để cung cấp thông tin. Từ đó Cục BVTV cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể giám sát, thực hiện xuất khẩu nông sản theo đúng quy trình, mã số”- ông Lê Thanh Hòa phân tích.

Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý, nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng phía Trung Quốc “tuýt còi”, qua đó ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho biết, các cơ quan của Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp để xây dựng quy trình thực hành tốt cho từng loại hoa quả để đảm bảo việc xuất khẩu cũng như đảm bảo yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra.

Trung Quốc là thị trường có sức mua lớn với quy mô 1,4 tỷ dân. Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất cũng như xuất khẩu nông sản, trái cây, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang thị trường trọng điểm này.

Theo VietQ

(Visited 13 times, 1 visits today)