Tuy nhiên, Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương cuối tháng Một đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, đồng lòng của Chính phủ và toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021.
Nhiều kết quả tích cực
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020, cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng.
Trong quý I, ngành công nghiệp đạt mức tăng khá 6,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% và là ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với 2,37 điểm phần trăm. Mức tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiệm cận mức tăng 2 con số so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp này.
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD; có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản phẩm hóa chất tăng 35%; sản phẩm từ chất dẻo và xơ, sợi dệt các loại cùng tăng 31%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 41,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 31,3%; sắt, thép tăng 65,2%…
Đáng chú ý là, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5% do tăng số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng và giảm số doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương vẫn tiếp tục thu hút được dự án công nghệ cao, điển hình là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD… Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công cũng như phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng nền kinh tế nước ta.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế quý I/2021 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục Thống kê cho rằng, nền kinh tế quý I vẫn tồn tại những điểm cần lưu ý. Theo đó, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế đạt mức tích cực nhưng chưa đạt tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, một số ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi nhanh như thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra do một số ngành phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước trên thế giới hiện chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy những tác động dai dẳng của tình hình dịch bệnh. Thị trường xuất khẩu chưa thể hồi phục ngay do các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa kiểm soát được dịch Covid-19. Xuất khẩu trong nước vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực này (bao gồm cả dầu thô) quý I tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại của nền kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2021, Tổng cục Thống kê cho rằng, trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế;
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh tái đàn lợn, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn; tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng và thị trường;
Đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Tập trung chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến để đạt giá trị gia tăng cao;
Tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEPT để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao cơ hội cạnh tranh và nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế; Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ.
Theo VnMedia