Tăng trưởng xuất khẩu – điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2020

Cơ hội giao thương - Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, nhưng Việt Nam vẫn có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và thặng dư thương mại đạt kỷ lục, đây chính là bước tạo đà, tạo lực bứt phá cho hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929 – 1933, gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Cũng theo Bộ Công Thương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2020 có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc…

Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD). Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây chúng ta đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Kiểm soát nhập khẩu được thực hiện tốt. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, xuất khẩu và phục vụ các dự án đầu tư trong nước. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 89%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 6,27%.

Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư trong toàn bộ thời kỳ Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản hàng hóa cho người nông dân. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp gần 3 lần năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Năm 2021, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu. 

Theo VnMedia

(Visited 64 times, 1 visits today)