Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, theo chức năng nhiệm vụ và sự phân công của Chính phủ, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất của ngành Công Thương phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó, tập trung chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. Đồng thời, chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Đà Nẵng) về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Để tạo nguồn cung cho Chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Yên Bái… tổ chức các Chương trình kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại hầu kết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho Chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định trong dịp Tết.
Nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết được các doanh nghiệp chuẩn bị tốt
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Theo đó, về nguồn cung hàng hóa: công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu… Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.
Tại một số địa phương khu vực miền Trung chịu thiệt hại của bão lũ trong năm 2020 vừa qua, nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tốt, tuy nhiên do đánh giá sức mua của người dân bị ảnh hưởng do điều kiện kinh tế còn khó khăn sau bão lũ nên lượng hàng chuẩn bị không tăng so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương các địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các chuyến bán hàng Tết đến các khu vực dân cư chịu thiệt hại lớn của bão lũ với giá bình ổn và có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.
Theo báo cáo của Sở Công Thương một số địa phương, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán đã được các điạ phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là chương trình Bình ổn thị trường (BOTT). Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, hiện có 55/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trong đó có 26 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình BOTT.
Cụ thể, lượng hàng hoá nói chung và hàng hoá thực hiện BOTT nói riêng dịp Tết Nguyên đán được chuẩn bị với số lượng dồi dào. Ước lượng hàng hoá tham gia BOTT tại các đại phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại.
Bên cạnh đó, nguồn vốn dùng để dự trữ hàng hóa chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện BOTT các năm qua, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum… cũng bắt đầu thực hiện chương trình BOTT một cách quy mô và bài bản (tổ chức mỗi huyện, thị xã 01 điểm bán bình ổn). Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước. Điều này đã khuyến khích, mở rộng số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá không cần sự hỗ trợ về vốn vay từ ngân sách Nhà nước.
Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh phân phối để tạo nguồn hàng dự trữ với giá ổn định, các tỉnh, thành phố rất quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo…
Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối tại địa phương cam kết cung cấp hàng chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên hàng Việt Nam, nhất là đối với nhóm hàng bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến trong hàng hóa phục vụ Tết và hàng hóa trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đều là hàng Việt Nam.
Theo VnMedia