Chủ động nguồn cung giúp xuất khẩu tăng trưởng cao

Cơ hội giao thương - Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, có một phần quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh.

Từ 2016 đến nay, kinh tế thế giới liên tục đối mặt với những thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu.

Chỉ đến 2017, kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi, thương mại toàn cầu bắt đầu có những diễn biến tích cực, thì đầu năm 2018 nổ ra xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và hiện vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều thị trường xuất khẩu chính của nước ta.

Tuy vậy, hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn từ đầu năm 2016 cho đến hết tháng 10 năm 2020 đã đạt những kết quả tích cực.

Điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục; xuất siêu có xu hướng tăng cao, việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu đạt hiệu quả tốt.

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Năm 2020, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm, trong khi xuất khẩu nước ta đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7%.

Nhập khẩu được kiểm soát. Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015-2019 ở mức 11,2%/năm.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%), đạt mục tiêu Chiến lược đề ra. 

Cán cân thương mại luôn nghiêng về xuất siêu và tăng rất nhanh qua từng năm: 2,5 tỷ USD năm 2016; 2,92 tỷ USD năm 2017; 7,2 tỷ USD năm 2018; 11,12 tỷ USD năm 2019, và 18,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 10 tháng đầu năm 2020 chiếm tới 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng mạnh so với mức 78,9% của năm 2015.

xuất khẩu tăng nhanh chóng
Năm 2020, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm, trong khi xuất khẩu nước ta đạt được mức tăng trưởng dương

 

Nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, có một phần quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh những ảnh hưởng đối với hoạt động xuất khẩu, dịch Covid-19 còn có tác động tiêu cực tới nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu.

Để chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu theo mục tiêu đã được giao; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 05, ngày 26/2.

Trong đó giao cho Cục Xuất nhập khẩu làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khản trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỷ trọng…, những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại.

Hội nghị khai thác EVFTA cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”

 

Chỉ thị 05 cũng giao cho Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi chỉ đạo các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng, các khó khăn vướng mắc trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường sở tại.

Đặc biệt, Chỉ thị 05 giao cho nhiều đơn vị liên quan tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Cụ thể, 2 vụ thị trường nước ngoài được giao nhiệm vụ chỉ đạo Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, may tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép…

Cục Xúc tiến thương mại được giao nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử…, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.

sản xuất giày dép
Cục Xúc tiến thương mại được giao nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày

 

Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp các thông tin về tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kịp thời cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Những nỗ lực trên đã góp phần giúp doanh nghiệp kết nối với các chuỗi cung ứng, tạo tiền đề quan trọng cho duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 18 times, 1 visits today)