Ấn Độ điều tra chống trợ cấp ống đồng của Việt Nam, Malaysia, Thái Lan

Cơ hội giao thương - Theo số liệu thu thập sơ bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Ấn Độ vào khoảng 27 triệu USD trong năm 2019.

Thông báo khởi xướng điều tra của Tổng vụ Phòng vệ Thương mại Ấn Độ (DGTR) cho thấy, nguyên đơn trong vụ việc là Công ty M/s Bombay Metal Exchange. Sản phẩm bị điều tra là một số sản phẩm ống đồng, được phân loại theo các mã HS: 7411.21.00; 7411.22.00; 7411.29.00. Tuy nhiên, theo DGTR mã HS này chỉ có tính chất tham khảo, DGTR có thể mở rộng phạm vi điều tra.

Thời kỳ thu thập số liệu về trợ cấp là 1/4/2019 – 31/3/2020. Thời kỳ thu thập số liệu về thiệt hại là 4/2016 – 3/2020.

Tới đây, các bên liên quan cần liên hệ với DGTR theo email và trả lời đầy đủ các thông tin theo bản câu hỏi điều tra và gửi tới DGTR trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng điều tra (25/9/2020). Sau thời gian này, trong trường hợp không nhận được thông tin trả lời, DGTR sẽ sử dụng các dữ liệu sẵn có để đưa ra quyết định vụ việc.

Các bản trả lời câu hỏi, bản đệ trình có chứa thông tin mật được yêu cầu gửi kèm theo một bản không mật để gửi cho các bên liên quan yêu cầu.

Liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết đã trao đổi với DGTR để làm rõ các bằng chứng mà DGTR sử dụng làm căn cứ để khởi xướng điều tra và đề nghị DGTR tuân thủ đúng các quy định của WTO cũng như các cam kết quốc tế liên quan.

Về phía các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị cần liên lạc ngay với cơ quan điều tra Ấn Độ để đăng ký tham gia và nhận Bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định. Sau đó, đọc kỹ Thông báo khởi xướng, các hướng dẫn trong Bản câu hỏi, trả lời đầy đủ và nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn và cách thức quy định.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần hợp tác toàn diện với DGTR trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc cung cấp thông tin bổ sung và thẩm tra tại chỗ; đồng thời thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Ấn Độ để có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ, yêu cầu xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong suốt quá trình này, doanh nghiệp cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời, đặc biệt khi có phát sinh các vấn đề bất thường.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát vụ việc và có ý kiến kịp thời với DGTR trong suốt quá trình điều tra chống trợ cấp để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 27 times, 1 visits today)