Trước sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội diễn ra vào sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình, làm rõ một số nội dung có liên quan đến kinh tế – xã hội và hoạt động xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các xung đột vốn đã nghiêm trọng giữa một số nền kinh tế lớn như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng thương mại Mỹ – EU, Mỹ – Ấn, Nhật – Hàn…, thì nay với tác động của Đại dịch Covid-19 đang trở nên ngày càng gay gắt hơn. Đại dịch lần này tiếp tục tác động mạnh mẽ tới quá trình toàn cầu hóa vốn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở một số quốc gia, khu vực.
Kinh tế toàn cầu được đánh giá là đã bước vào giai đoạn suy thoái. Đặc biệt, suy thoái kinh tế toàn cầu lần này có tính chất rất khác so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 – 2008, khi đó chủ yếu là sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng, sụt giảm thị trường chứng khoán, mất giá tiền tệ qui mô lớn… Trong khi suy thoái kinh tế lần này diễn ra ở hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế – thương mại – đầu tư của thế giới. Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, thị trường đầu tư, tác động trực tiếp đến sự thay đổi của cấu trúc nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Việc các quốc gia trên thế giới ứng phó với dịch bệnh sẽ tạo nên sự thay đổi trong việc khai thác công nghệ trong cả đời sống và sản xuất. Quá trình chuyển đổi số ở cả doanh nghiệp và người dân đã và đang diễn ra trên diện rộng, vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội lớn cho các quốc gia tận dụng để chuyển đổi, tăng tốc phát triển.
Tuy vậy, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh sớm hơn các nước. Lòng tin của doanh nghiệp trong nước và các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam đang được củng cố mạnh mẽ; những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng trong thời gian tới được giữ vững (như tỷ giá, lãi suất, cán cân thanh toán, cán cân thương mại…). Đây là những yếu tố rất căn bản để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, đến tháng 5 chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại ở mức 11,2% so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,8%. Chỉ số quản trị mua hàng PMI tăng 10 điểm so với tháng 4, đạt 42,7 điểm (là mức cao nhất trong các nước ASEAN và nhiều nước trong khu vực). Nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt duy trì được mức tăng tích cực như xuất khẩu sang Hoa Kỳ 5 tháng đầu năm tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước và đạt 24,6 tỷ USD, Trung Quốc tăng 20,1% và đạt 16,3 tỷ USD, Nhật Bản tăng 2,2% và đạt 8,1 tỷ USD…
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sau khi bị sụt giảm ở tháng 4 thì đến tháng 5 đã ghi nhận tăng trưởng tích cực trở lại (Nhóm nông, thủy sản tăng 3,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 33,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 4,9%).
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD. Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (ước đạt 66,06 tỷ USD) do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Trong 5 tháng đầu năm, có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: điện thoại các loại và linh kiện dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất nhưng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 17,98 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh 22,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 25%. Nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020.
Theo VnMedia