Bỏ quy định cấm phân lô, bán nền tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh

Cơ hội giao thương - Bộ Tài nguyên Môi trường mới đây đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia xây dựng lại nội dung Khoản 17 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong đó, bỏ quy định cấm phân lô bán nền tại các đô thị loại đặc biệt.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, mục 2 được sửa như sau: “Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực không nằm trong địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, các phường thuộc thị xã; khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị”.

Trước đó, tại dự thảo nghị định này (ngày 25/4/2020) quy định Khoản 17 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, như sau: “2. Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê căn cứ danh mục công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong đó xác định thuộc trường hợp được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị”.

Quy định này có nghĩa sẽ cấm thực hiện các dự án nhà ở dưới hình thức phân lô bán nền, trên toàn bộ địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, bao gồm các quận nội thành; các phường, thị trấn thuộc thành phố, thị xã, quận, huyện; kể cả các huyện, các xã nông thôn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, việc đề xuất quy định cấm tuyệt đối hoạt động phân lô bán nền tại “các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh”, vừa không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vừa không đảm bảo quyền của người sử dụng đất được tách thửa đất ở đô thị, đất ở nông thôn, cũng không đáp ứng được nhu cầu nhà ở liền thổ và khả năng tài chính của người mua nhà.

Phát biểu tại hội thảo “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: Những vấn đề bất cập và kiến nghị chính sách” được Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 2/6, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay: “Về tính pháp lý, các dự án phân lô bán nền là chính sách đúng đã được ghi nhận. Từ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đã có những quy định rất rõ vẫn cho phép và ghi nhận lợi ích của việc phân lô bán nền. Mấu chốt của vấn đề sửa đổi, hạn chế khu vực phân lô bán nền này ảnh hưởng rất nhiều các đối tượng. Tôi cho rằng, không phải cứ thích là ban hành luật cấm bởi phải thấy các yếu tố có phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, kinh tế xã hội hay không”.

Luật sư Trương Thanh Đức lý giải, về cơ sở pháp lý, theo Luật Đất đai, nhiệm vụ cho phép phân lô hay không phân lô, bán nền hay không bán nền thuộc về Chính phủ. Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản cũng dựa trên các điều khoản của Luật Đất đai về quy định phân lô bán nền.

Còn về tinh thần, thì dự thảo sửa đổi đang trái ngược với nhiều quy định hiện tại. Dẫn chứng là Điều 194.1a Luật Đất đai cho phép hình thức phân lô bán nền, thứ 2 là Điều 11.1c Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng cho phép, ghi nhận phân lô bán nền. Thứ 3 là Điều 8.2b của Luật Nhà ở, cũng cho phép như vậy.

Sửa đổi đang hướng tới việc cấm phân lô bán nền là chính. Tới 80% đối tượng theo nội dung dự thảo sửa đổi là nhà ở, dự án nằm trong các khu đô thị, từ gần tới xa lõi, từ khu vực lõi đến khu vực ngoại đô. Như vậy là đang áp đặt “lệnh cấm” với hầu hết các hoạt động về phân lô bán nền, trong khi đây đang là nhu cầu chung, quy định, pháp lý hành chính về phân lô bán nền đều đã được ban hành thống nhất và chặt chẽ.

Luật Đất đai cho phép, Luật Nhà ở cho phép và Luật Kinh doanh bất động sản cũng cho phép, nhưng tại sao, trong khi luật không thay đổi thì nghị định cứ nay sửa chữa, mai thay đổi? Điều này hoàn toàn không hợp lý. Kể cả quy định về phân lô bán nền của Luật Đất đai cần sửa lại, thì Nghị định chỉ nên cụ thể hóa chi tiết, luật hóa hơn chứ không thể cấm vì đó mới là vai trò của Nghị định, hướng dẫn.

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cũng phân tích: “Bộ Tài nguyên và Môi trường khi ban hành chính sách cần phải đánh giá tác động cả tích cực và tiêu cực. Đất đai là vấn đề hết sức nhạy cảm. Một chính sách đưa ra thị trường bị dư luận phản ứng thì vô hình chung nó không có tác động tích cực. Bản chất hình thức phân lô bán nền không có lỗi, cả quốc tế và Việt Nam đều đang có nhu cầu này. Do đó, kể cả có cấm thì thị trường cũng sẽ phản ứng đi theo hình thức khác. Bởi thực tế, nhu cầu của thị trường là có, nhu cầu rất lớn”.

Theo VnMedia

(Visited 15 times, 1 visits today)