Nhóm “giàu nhất” Việt Nam đang làm những nghề gì?

Cơ hội giao thương - Tỷ lệ người lao động thuộc nhóm “Giàu” hoặc “Giàu nhất” hiện đang làm “Lãnh đạo”, “Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao” và “Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung” tương ứng là 83,5%, 80,1% và 65,8%. Rất ít lao động thuộc nhóm “Nghèo nhất” làm việc ở các nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao.

Càng học cao càng dễ thất nghiệp

Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở (thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019) vừa được Ban chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở Trung ương công bố hôm 7/1/2020, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp.

Tuy nhiên, đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ chuyên môn cao lớn hơn tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ chuyên môn thấp.

Theo lý giải của công bố này, mặc dù đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp hơn 10 năm qua, nhưng hệ thống bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện để phục vụ tốt người lao động.

Do vậy, đa số người dân phải làm mọi công việc để tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thường thấp hơn so với các nước phát triển. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam là 2,05%.

Đa phần dân số Việt Nam cư trú ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (tương ứng là 1,64% và 2,93%). Sự khác biệt về cơ hội tiếp cận thông tin về việc làm, trình độ chuyên môn kỹ thuật và khả năng lựa chọn công việc linh hoạt của người lao động có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này.

“Người thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lao động thất nghiệp (18,9%) trong khi người thất nghiệp chưa được đào tạo hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn (bao gồm: sơ cấp, trung cấp) chiếm tỷ trọng thấp hơn rất nhiều (6,6%).” – Kết quả điều tra nêu rõ.

“Điều này là do nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp thường sẵn sàng làm các công việc giản đơn và không đòi hỏi chuyên môn cao với mức lương thấp trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn” – Ban chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở Trung ương lý giải.

Ngoài ra, điều tra cho thấy, chính sách tuyển lao động của các nhà tuyển dụng đối với nhóm lao động có trình độ cao cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ này, bởi yêu cầu đối với lao động đã qua đào tạo ở các trình độ càng cao càng khắt khe hơn so với lao động giản đơn và cũng do nhóm lao động đã qua đào tạo thường có yêu cầu về mức thu nhập cao hơn nhóm lao động giản đơn.

Nhóm giàu nhất hiện đang làm lãnh đạo, chuyên môn kỹ thuật bậc cao

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đa số những người thuộc nhóm “Giàu”, “Giàu nhất” làm việc trong các nhóm nghề có yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng cao. Theo đó, tỷ lệ người lao động thuộc nhóm “Giàu” hoặc “Giàu nhất” hiện đang làm “Lãnh đạo”, “Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao” và “Nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung” tương ứng là 83,5%, 80,1% và 65,8%.

Rất ít lao động thuộc nhóm “Nghèo nhất” làm việc ở các nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao (chỉ chiếm khoảng 5%).

Những người “Nghèo nhất” hoặc “Nghèo” chủ yếu làm việc trong nhóm “Lao động giản đơn” hoặc “Nghề trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản”. Cứ 100 người lao động làm việc ở 2 nhóm nghề này thì có hơn 60 người thuộc nhóm “Nghèo” và “Nghèo nhất”. Những người “Giàu nhất” làm trong hai nhóm nghề này chỉ chiếm 5,7%.

Không có nhiều sự khác biệt về mức độ giàu nghèo của lao động làm các nghề “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng”, “Thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” và “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị”.

Theo VnMedia

(Visited 16 times, 1 visits today)