Sửa đổi Nghị định 83: Tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu bình đẳng

Cơ hội giao thương - Bộ Công Thương khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sau 5 năm thực hiện. Nghị định này sẽ được sửa đổi theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định 83).

Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 cho biết, sau 5 năm Nghị định ban hành và được thực hiện, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đặc biệt giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, kịp thời, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sau 5 năm thực hiện. Thứ trưởng đề nghị, các đại biểu nghiên cứu và có ý kiến góp ý xác đáng để phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng một thị trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, lành mạnh, bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước đối với thị trường hàng hóa này

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định 83 đã nảy sinh một số bất cập cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Ví dụ cụ thể, Thứ trưởng cho biết, nếu trước đây, nguồn xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu (tới 75-80%) thì nay, con số này đã đảo được đảo ngược, hiện, nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 70-75%.

Thêm vào đó, hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp khác tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng; sự thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế…

Do vậy, Nghị định 83 sẽ được sửa đổi theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Nghị định sửa đổi sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu và thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chi phối.

Nhận xét, đánh giá về Nghị định 83, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị định, công tác điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng công khai, minh bạch hơn.

Hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu đã thu hút được nhiều tham gia cùng việc các thương nhân đầu mối được tự quyết định giá kinh doanh trên cơ sở giá được liên bộ Tài chính – Công Thương xác định…

Cũng theo Phó Trưởng Ban soạn thảo Nghị định, có ít nhất 8 nội dung cần được sửa đổi tại Nghị định 83 như Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Rà soát, hoàn thiện về đối tượng quản lý mà Nghị định 83 chưa có; Sửa đổi về cơ chế điều hành giá xăng dầu.

Công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cũng được sửa đổi trong lần này; Những sửa đổi liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Về việc rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về quản lý chất lượng xăng dầu và rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để thống nhất cách hiểu trong khuôn khổ Nghị định này.

Cụ thể về việc rà soát để hoàn thiện về đối tượng quản lý, kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông cho biết, sẽ cho nghiên cứu thí điểm các cây xăng mini tại các địa bàn khó xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định, để bảo đảm đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn (ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế), địa bàn quá chật hẹp (tại các thành phố lớn, khu trung tâm, phố cổ không đủ mặt bằng để đầu tư cây xăng theo quy định).

“Chúng tôi nghiên cứu để cho thí điểm máy bán xăng dầu mini. Máy này được nhập khẩu nhưng được cấp giấy chứng nhận an toàn của Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để đáp ứng cho những vùng khó khăn trong việc phát triển hệ thống phân phối”, ông Trần Duy Đông cho biết.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo ông Trần Duy Đông, quan điểm mới nhất của của Ban soạn thảo và Chính phủ, kể cả các Bộ, ngành trong đó có liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn thống nhất quan điểm là trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung vẫn tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá.

“Dự kiến sửa đổi theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với Quỹ bình ổn giá; bổ sung quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng Quỹ bình ổn giá trong khi Quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp bị âm”- ông Trần Duy Đông thông tin.

Sau hơn 3h đồng hồ diễn ra, Hội nghị đã nhận được ý kiến góp ý của rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước đến từ Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương…; các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam); Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam…

Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 cùng các thành viên Ban soạn thảo đã lắng nghe và thẳng thắn trao đổi, phản biện với các ý kiến tại Hội nghị và khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Nghị định sửa đổi theo hướng phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo sự đồng thuận của đông đảo doanh nghiệp và người dân.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 17 times, 1 visits today)