Năng lực cạnh tranh Việt Nam cải thiện, nhưng mới ở trung bình khá trên quốc tế!

Cơ hội giao thương - Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Mặc dù vậy, hiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh).
Thông tin trên được đưa ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, vừa được Chính phủ đã ban hành.
 
Năng lực cạnh tranh Việt Nam được cải thiện mạnh
 
Theo đánh giá tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc). Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc…
 
Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 19 cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố); Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index (do Bộ Nội vụ công bố);…
 
Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận. 
Môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Ảnh minh họa
Môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Ảnh minh họa
Mặc dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh). Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm. Đặc biệt một số chỉ số bị tụt hạng mạnh so với khu vực và thế giới như: Giải quyết phá sản doanh nghiệp năm 2018 giảm 8 bậc so với 2016, ở vị trí cuối bảng xếp hạng; Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 7 bậc…
 
Bên cạnh đó, các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chậm được cập nhật, theo dõi, tập trung cải thiện dẫn tới năm 2018 giảm 1 bậc trong xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), giảm 3 bậc trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
 
Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh 
 
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết này tiếp nối các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
 
Mục tiêu nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh – EoDB (của WB) lên 15 – 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 – 7 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh – GCI 4.0 (của WEF) tăng 5 – 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3 – 5 bậc. Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo – GII (của WIPO) lên 5 – 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 – 3 bậc. Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5 – 10 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10 – 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 – 10 bậc. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 – 15 bậc năm 2020.
 
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF. Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF. Bộ Công Thương làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Hiệu quả logistics của WB. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF. Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của UN.
 
Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019; Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt; Công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018.
Theo VnMedia
 
(Visited 190 times, 1 visits today)