Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức.
Ông Stephen Taylor, Trưởng Bộ phận Chính trị, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, đại diện cơ quan tài trợ nhấn mạnh: Sự kiện này ghi nhận sự cam kết của 11 Hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp tại Việt Nam.
11 hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề tại TP. Hà Nội và TP.HCM cùng ký Bản cam kết về kinh doanh liêm chính. Ảnh: Trần Nam
11 hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề tại TP. Hà Nội và TP.HCM cùng ký Bản cam kết về kinh doanh liêm chính. Ảnh: Trần Nam
Đây là kết quả của cuộc vận động quy mô nhỏ do VCCI thực hiện kêu gọi một số hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và TPHCM tham gia ký kết “Bản cam kết kinh doanh liêm chính”. Trong đó, 6 hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội gồm Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam. 5 hiệp hội doanh nghiệp TPHCM gồm Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Hiệp hội Cao su nhựa TPHCM, Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, Hiệp hội May Thêu đan TPHCM, Hiệp hội Nhựa TPHCM.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tại Hội thảo, sự chuyên nghiệp, hành vi đạo đức đúng đắn và tính chính trực được đề cao đối với nhân viên, khách hàng và chuỗi cung ứng là phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Các hiệp hội doanh nghiệp được mong đợi sẽ triển khai mạnh mẽ phong trào thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong các doanh nghiệp ngành do mình đại diện, cùng hành động tập thể tạo nên tấm lá chắn vững chắc nhằm giảm thiểu, ngăn chặn các rủi ro liên quan tới hối lộ, tham nhũng trong các giao dịch kinh doanh.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 70 đại diện từ các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đây là một trong các hoạt động trọng tâm của “Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ” (GBII) do VCCI thực hiện trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” của UNDP.
Dự án nhằm hỗ trợ xây dựng cơ chế minh bạch trong cả khu vực công và khu vực tư, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường nhà nước pháp quyền, phòng chống tham nhũng và xây dựng các điển hình doanh nghiệp có trách nhiệm.
Theo Tạp chí Công Thương