Điều kiện chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp
Từ ngày 10/10/2019, Nghị định 70/2019/NĐ-CP về nghĩa vụ công an của Chính phủ chính thức có hiệu lực.
Nghị định này quy định có 2 trường hợp công an nghĩa vụ được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, gồm:
– Phục vụ tại ngũ từ 15 tháng đến dưới 24 tháng, hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn theo chế độ chuyên nghiệp thì được xét, dự tuyển vào các trường Công an nhân dân. Khi tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
– Người không thuộc trường hợp nêu trên, hết thời hạn phục vụ tại ngũ có đủ các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của công an nhân dân, nếu tự nguyện và công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.
Bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu
Từ ngày 15/10/2019, Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp sẽ có hiệu lực.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:
– Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;
– Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;
– Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…
Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 – 03 tháng.
Xe gắn máy đi trên đường bộ tốc độ không quá 40km/h
Bộ Giao thông – Vận tải vừa ban hành Thông tư 31/2019/TT-BGTVT thay thế Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 15/10 tới.
Theo Thông tư này, trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), đối với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên, các phương tiện được chạy với tốc độ tối đa 60km/h. Với đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới, các phương tiện được chạy tối đa 50km/h.
Ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), đối với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên, xe ôtô con, xe chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ôtô tải có tải trọng nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn được chạy với tốc độ tối đa 90km/h; nếu là đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới được chạy tối đa 80km/h.
Xe ôtô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt), ôtô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ xe xitéc) tối đa lần lượt là 80km/h và 70km/h; xe buýt, ôtô đầu kéo sơmi rơmoóc, xe môtô, ôtô chuyên dùng (trừ ôtô trộn vữa, trộn bêtông) tối đa lần lượt là 70km/h và 60km/h.
Ôtô kéo rơmoóc, ôtô kéo xe khác, ôtô trộn vữa, trộn bêtông, ôtô xitéc tối đa lần lượt là 60km/h và 50km/h. Các loại xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ đường cao tốc), tốc độ tối đa không quá 40km/h.
Tốc độ tối đa cho phép của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120km/h.
Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân từ 30.000 đồng
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/10/2019
Theo đó, mức thu lệ phí khi công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Mức thu lệ phí đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu là 50.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam là 70.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020.
Theo đó, mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. Người lao động được vay vốn theo quy định nêu trên mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định. Người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.
Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với người lao động về việc trả gốc nhưng tối đa không quá 12 tháng/lần. Trường hợp đến hạn, người lao động không trả được nợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội theo dõi vào kỳ tiếp theo.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10 và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020.
Theo VnMedia