Môi trường đầu tư đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh
Năm 2019 đã đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, môi trường kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, cải thiện môi trường đầu tư, đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển doanh nghiệp.
Bằng chứng, theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo quý III/2019, đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2019 tốt hơn quý I và lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh quý III.
Đáng chú ý, tính chung 8 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 116 nghìn doanh nghiệp, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,5% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%. Đặc biệt, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng tăng mạnh, đạt 12,7 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây.
Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2019 thu hút 2.406 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9.127,9 triệu USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 908 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.989,9 triệu USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 872 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,9 tỷ USD và 4.363 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,61 tỷ USD.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, từ năm 2018 đến nay, các bộ, cơ quan đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm khoảng 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt khoảng 110,6%), 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt khoảng 136,5%), giúp tiết kiệm gần 18 triệu ngày công/năm, tương đương gần 6.300 tỷ đồng/năm.
Trong 5 năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 25 bậc, xếp thứ 69/190 quốc gia; năng lực cạnh tranh toàn cấp xếp 77/140 nền kinh tế; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 26 bậc so với năm 2014, xếp thứ 45/126 quốc gia.
Một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất
Mặc dù đã có được những kết quả nhất định, song Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cũng cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: Việc cải cách điều kiện kinh doanh chủ yếu được tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên,sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ và chưa chủ động. Một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất, thái độ của cán bộ, công chức thực thi vẫn còn nhiều vấn đề…
“So với ASEAN thứ hạng các Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp. Việt Nam hiện đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN, cách xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia (thứ 15) và Thái Lan (thứ 27)”, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia thông tin.
Theo báo cáo Kinh tế tư nhân – Năng suất và thịnh vượng của Công ty Tư vấn về Quản lý Kinh tế Economica Việt Nam, các quy định quá mức chặt chẽ, không hợp lý, quá trình thực thi không hiệu quả, chi phí tuân thủ cao là những lý do chính giải thích cho tình trạng khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam còn hoạt động phi chính thức và bán chính thức ở mức cao, hộ kinh doanh ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Tính đến nay, cả nước có 79.310 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 999.395 tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng vốn bình quân trên một doanh nghiệp mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lêntrong 8 tháng đầu năm, là 24.289 doanh nghiệp, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Số tạm ngừng có thời hạn và chưa đăng ký/chờ giải thể tương ứng là 23.118 và 24.828 doanh nghiệp, tăng 15,6% và 15,3% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 9.260 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo VnMedia