Yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2019

Cơ hội giao thương - Ban Dự báo kinh tế vĩ mô - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng đan xen cả những mặt thuận lợi và hạn chế đến từ kinh tế quốc tế và các yếu tố từ bản thân nội tại của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố

Theo Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, trong những tháng cuối năm 2019, kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ nhờ có dòng vốn tăng từ du lịch, kiều hối và đầu tư FDI, tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa đang được đẩy mạnh. Tăng trưởng nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh.

Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, động lực tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ được tiếp tục tăng cường nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân.

Theo đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ trong năm 2019 như kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cũng như cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại. Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ ở các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng dự án sẵn có.

Động lực tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ được tiếp tục tăng cường nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân. Ảnh minh họa
Động lực tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ được tiếp tục tăng cường nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân. Ảnh minh họa
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cũng cho biết, xuất nhập khẩu đang nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước. Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung diễn ra gay gắt, việc tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu nhóm hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, sản phẩm thuỷ sản sẽ là hướng đi hợp lý trong bối cảnh thương mại hiện nay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

“Tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm. Các yếu tố tích cực chủ yếu vẫn đến từ sự đảm bảo nguồn tài chính của người dân với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ngày càng tốt hơn vào những tháng cuối năm. Doanh nghiệp bán lẻ được kỳ vọng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ hàng hóa phù hợp hơn với hành vi tiêu dùng của người dân cũng, như việc ứng dụng các công nghệ và các mô hình kinh doanh mới, đảm bảo doanh thu bán lẻ trong những tháng cuối năm”, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia đưa ra những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cuối năm 2019.

Xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trên, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho rằng, những tháng còn lại của năm 2019, tăng trưởng kinh tế vẫn còn phải đối mặt với những thách thức.

Dẫn chứng về vấn đề này, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho biết, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như ngành sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước, khi động lực tăng trưởng từ phía doanh nghiệp Samsung còn là một ẩn số trước những lo ngại về mức giảm quy mô sản xuất của doanh nghiệp này so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

Đặc biệt, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu; trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

“Xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ nhận được lợi thế từ sự chuyển hướng thương mại do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ chậm lại do Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc; trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang giảm sút”, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho hay.

Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Sức ép lạm phát cao do tác động của nhiều yếu tố như giá dầu thế giới có xu hướng tăng, tình hình thời tiết diễn biến xấu và dịch bệnh có thể làm tăng giá nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm…

Theo VnMedia

(Visited 35 times, 1 visits today)