Xuất khẩu nông sản bền vững sang Trung Quốc: Cần cách thức tiếp cận mới

Cơ hội giao thương - Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam trong nhiều năm tới, bởi nhu cầu cao, chi phí vận tải thấp… Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường này, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận.

Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị “Hướng dẫn thông tin quy định của thị trường và giới thiệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc tới các tỉnh khu vực phía Nam”. Hội nghị diễn ra vào ngày 23/4, tại Long An do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) chủ trì, tổ chức.

Hội nghị do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm đồng chủ trì, thu hút sự tham dự của hàng trăm đại biểu là đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất và Sở ngành liên quan của tỉnh Long An và 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khác.

“Hội nghị hướng dẫn thông tin quy định của thị trường và giới thiệu cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc tới các tỉnh khu vực phía Nam” là hoạt động thuộc khuôn khổ chuỗi hoạt động tuyên truyền, định hướng phổ biến thông tin về thị trường Trung Quốc trên 3 miền Bắc-Trung-Nam mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng với những thay đổi của thị trường, duy trì xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu nông sản bền vững sang Trung Quốc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến hàng trăm đại biểu tham dự Hội nghị

Ngay tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Lâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã giới thiệu, quảng bá những tiềm năng thế mạnh của tỉnh cũng như thông tin tới các đại biểu về tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Long An nói chung và với thị trường Trung Quốc nói riêng.

Ông Nguyễn Minh Lâm cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp của địa phương chưa tận dụng được cơ hội và lợi ích của các hiệp định thương mại thế hệ mới, còn đối mặt với nhiều rủi ro trong cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết về các quy định, yêu cầu của thị trường.

Do vậy, đại diện UBND tỉnh mong muốn, các đại biểu tham dự Hội nghị này, sẽ giúp cho doanh nghiệp Long An có được cái nhìn tổng thể nhất về thị trường Trung Quốc, hỗ trợ tháo gỡ được những vấn đề khó khăn trong xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường này và góp phần thúc đẩy xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Lắng nghe những chia sẻ từ đại diện tỉnh Long An, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chúc mừng tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, thương mại trong thời gian qua.

Xuất khẩu nông sản bền vững sang Trung Quốc
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, để xuất khẩu bền vững nông sản sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần thay đổi hướng đi, cách thức tiếp cận mới, cần chú trọng hơn đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu

Thông tin với các đại biểu tham dự tại Hội nghị, Thứ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của Long An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong việc sản xuất các loại nông thủy sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Thứ trưởng khẳng định, vị trí quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với tỉnh Long An cũng như các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, chỉ ra những thách thức mới trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường này mà cả doanh nghiệp và cơ quan hữu quan của Việt Nam phải cùng đối mặt.

“Các doanh nghiêp, các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần thay đổi hướng đi, cần có cách thức tiếp cận mới để xây dựng nền tảng xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến cáo các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng, bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng khuyến cáo và lưu ý, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao về chính sách, nhu cầu và thị hiếu của thị trường Trung Quốc đối với chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Bởi theo đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, hiện nay, phía Trung Quốc thường xuyên có những thay đổi về chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

Xuất khẩu nông sản bền vững sang Trung Quốc
Hội nghị thu hút sự tham dự của hàng trăm đại biểu, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất và Sở ngành liên quan của tỉnh Long An và 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khác

Một nội dung quan trọng của Hội nghị là phần giao lưu trực tiếp và trực tuyến giữa các đại biểu dự Hội nghị với các Diễn giả và các Tham tán thương mại và Trưởng Chi nhánh Thương vụ và Trưởng Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Qua đó, nhiều băn khoăn, vướng mắc của doanh nghiệp về cách thức tiếp cận thị trường, kênh phân phối hàng hóa, những khó khăn trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã được các cán bộ Thương vụ và đại diện của Bộ Công Thương trực tiếp giải đáp thỏa đáng.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ/Ngành, địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tương tự nhằm kịp thời cung cấp thông tin, chính sách và cơ hội xuất khẩu đi thị trường nước ngoài tới các doanh nghiệp, hiệp hội có nhu cầu; góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu phát triển theo hướng ổn định, bền vững hơn.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 35 times, 1 visits today)