Xuất khẩu hàng sang Trung Quốc: Doanh nghiệp Việt cần làm gì để thoát cảnh “được mùa mất giá”?

Cơ hội giao thương -  Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để có thể xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật…
Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản Việt Nam
 
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
 
Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam. Với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm trong nước, cũng như cơ hội từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường khi Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (có hiệu lực từ năm 2010) thì xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
 
Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp phải các khó khăn. Ảnh minh họa
Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp phải các khó khăn. Ảnh minh họa
Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng như nêu trên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp phải các khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc. 
 
Ngoài ra, còn có tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng NDT giảm giá; tác động từ các chính sách mới và thực thi chính sách từ năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quốc, tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu; chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, thu hẹp diện mặt hàng trao đổi cư dân biên giới…
 
Cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản
 
Trước những cơ hội và thách thức đặt ra đối với thị trường xuất khẩu Trung Quốc, để phát triển xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường này một cách bền vững, theo Bộ Công Thương, thời gian tới phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
 
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để phát triển xuất khẩu sang Trung Quốc một cách bền vững, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần chú trọng về công tác quy hoạch, tái cơ cấu sản xuất hàng nông thủy sản, coi trọng, quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường. Cùng với đó là, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.
 
Bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu, dung lượng thị trường, mùa vụ. Song song với đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại thị trường Trung Quốc; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc.
 
“Tư duy xuất khẩu nông thủy sản cũng phải thay đổi theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch; tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng, độ an toàn, mẫu mã sản phẩm; đáp ứng đầy đủ, quy định, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhà xưởng, vùng trồng. Đặc biệt, việc dựa vào thương mại biên giới và giao dịch không ký kết hợp đồng cần phải được xóa bỏ và thay đổi, chuyển thành thương mại chính quy” – bà Lê Hoàng Oanh nêu rõ.
 
Về phía các doanh nghiệp, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), danh sách sản phẩm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc còn hạn chế, cơ quan quản lý 2 nước cần làm việc với nhau để xin bổ sung thêm sản phẩm vào danh mục chính ngạch hiện nay, vì theo danh sách thì hầu như chỉ có các loại thủy sản đông lạnh, tươi, làm lạnh được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi thủy sản khô hay chế biến GTGT không được phép.
 
Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc qua các kênh thông tin VASEP, Nafiqad, và quan trọng nhất là cải thiện điều kiện cở sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm xuất khẩu để đăng ký vào danh sách doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, ưu tiên xuất khẩu chính ngạch qua đường biển vì cước phí rẻ hơn trước…
 
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cập nhật và tận dụng hình thức kinh doanh thương mại điện tử để chào hàng tại Trung Quốc, vì thương mại điện tử đang phát triển mạnh, người dân nước này thích mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn nguyên liệu, xuất xứ hàng hóa để đáp ứng đơn hàng.
 
Theo VnMedia
(Visited 22 times, 1 visits today)