Theo Bộ Công Thương, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đã xuất hiện những ca nhiễm virut Covid-19 mới trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Qua công tác nắm bắt tình hình thị trường, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn các tỉnh, thành phố có hiện tượng người dân tập trung để mua thực phẩm dự trữ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, từ ngày 07/3, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân. Từ ngày 08/03, các siêu thị, cửa hàng đã nhập bổ sung và cam kết cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân, không có hiện tượng tăng giá bất hợp lý trên địa bàn; hiện tượng người dân mua thực phẩm tích trữ đã giảm rõ rệt, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Các Đội QLTT được chỉ đạo trong quá trình kiểm tra, giám sát kết hợp với tuyên truyền ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không tăng giá bất hợp lý mặt hàng vật tư y tế, thực phẩm trước diễn biến tình hình phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi rút COVID-19.
Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, các Đội Quản lý thị trường (QLTT) được chỉ đạo giám sát chặt chẽ địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu. Trong ngày 10/03, phần lớn các siêu thị không còn hiện tượng đông đúc như những ngày cuối tuần. Ở các điểm bán gạo lượng khách có tăng so với trước nhưng không có hiện tượng găm hàng, tăng giá đột biến.
Xử phạt các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế lên tới gần 2 tỷ đồng
Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế.
Lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 10/03/2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát, xử lý hơn 6.000 vụ liên quan đến kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay khô, vật tư y tế |
Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Thống kê kết quả kiểm tra, xử lý trong ngày 10/3 cho thấy, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 93 vụ liên quan đến các cơ sở kinh doanh y tế; xử lý: 21 vụ; số tiền xử phạt là 35.950.000 đồng.
Lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 10/03/2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát, xử lý hơn 6.000 vụ liên quan đến kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay khô, vật tư y tế. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.881.080.000 đồng.
Điển hình, tại An Giang, ngày 09/03/2020, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính tại khu vực cặp bờ kênh Vĩnh tế, thuộc khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Qua kiểm tra phát hiện 29.950 cái khẩu trang y tế các loại và 2.394 chai Gel rửa tay khô diệt khuẩn chưa xác định được chủ sở hữu và trị giá hàng hoá. Đoàn kiểm tra tiến hành lập Biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định.
Trong khi đó, tại Đắk Lắk, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 31/01 đến ngày 10/03/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã giám sát, kiểm tra 476 cơ sở; xử lý 40 cơ sở với tổng số tiền xử phạtn vi phạm hành chính: 271.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm không niêm yết giá hàng hóa là khẩu trang y tế tại địa điểm phải niêm yết giá hàng hóa theo quy định; lợi dụng dịch bệnh và điều kiện bất thường khác để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức ký cam kết với 517 cơ sở kinh doanh về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm dùng cho việc phòng, chữa bệnh do dịch bệnh của vi rút Corona gây ra.
Theo VnMedia