Ngày 19/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAid) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển (VRDF) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và hành động”.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư quốc tế
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong suốt chặng đường lịch sử kể từ đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, mọi người dân Việt Nam đều mong muốn cống hiến hết sức mình, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc. Kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011 – 2018 đạt trên 6,2%.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (tính theo sức mua tương đường – PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011 – 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn
Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo, đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số… và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia, đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).
Tìm cách giải quyết một điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại và căng thẳng thương mại đang gia tăng. Đồng thời, những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy, như robot và in 3D. Những phát triển này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng. Vào thời điểm, mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất,…
“Vì vậy, mặc dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro được nêu ở trên”. Ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Ông Ousmane Dione cho biết, để đóng góp vào việc xây dựng lộ trình phát triển của Việt Nam trong thập kỷ tới cần thảo luận về hai lĩnh vực cải cách quan trọng đối với Việt Nam.
Theo đó, lĩnh vực cải cách thứ nhất là tìm cách giải quyết một điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại, vốn quá phụ thuộc vào tích lũy nhân tố với sự đóng góp để tăng năng suất còn hạn chế. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển nhanh chóng 4.0, Việt Nam có một cơ hội lớn để tăng năng suất bằng cách tiến gần hơn tới ngưỡng công nghệ toàn cầu thông qua tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng. Xác định các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những động lực của diễn đàn của chúng ta hôm nay.
Lĩnh vực cải cách thứ hai liên quan đến các thể chế “thị trường”. “Mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi kinh tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng thành công một hệ thống các thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước, đảm bảo cạnh tranh tích cực”, ông Ousmane Dione chia sẻ.
Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, một Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được thiết kế tốt có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy, các ưu tiên và hành động không chỉ cần được xác định rõ ràng mà còn phải khả thi về mặt thực thi thông qua việc tính đến bối cảnh địa phương và các bên tham gia.
“Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau tư duy, và đổi mới, sáng tạo. Chúng ta hãy cởi mở, táo bạo và tham vọng, nhưng cũng cần thiết thực và cụ thể”, ông Ousmane Dione chia sẻ.
Theo VnMedia