Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng năm nay có 55 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 98,3 triệu USD; 14 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 84,8 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng năm 2019 đạt 183,1 triệu USD, trong đó lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 81,9 triệu USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 37,1 triệu USD, chiếm 20,3%; thông tin và truyền thông đạt 31 triệu USD, chiếm 16,9%; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 18,2 triệu USD, chiếm 9,9%.
Trong 5 tháng đầu năm, có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Tây Ban Nha là nước dẫn đầu với 59,8 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ 44,3 triệu USD, chiếm 24,2%; Campuchia 38 triệu USD, chiếm 20,8%; Malaysia 14,2 triệu USD, chiếm 7,8%.
Trong khi đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tính đến thời điểm 20/5/2019, số dự án cấp mới là 1.363 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 6,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.561,4 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.047 triệu USD, chiếm 16,2%; Singapore 842,7 triệu USD, chiếm 13%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 775,7 triệu USD, chiếm 12%; Nhật Bản 732,1 triệu USD, chiếm 11,3%; Thái Lan 328,7 triệu USD, chiếm 5,1%; Đài Loan 281,1 triệu USD, chiếm 4,4%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 224,7 triệu USD, chiếm 3,5%.
Theo VnMedia