Thông tin trên được Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) công bố ấn bản Sách trắng lần thứ 11. Đây là ấn phẩm thường niên của EuroCham, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp châu Âu đầu tư tại Việt Nam.
Theo EuroCham, kể từ khi trở thành thành viên WTO năm 2007, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách luật pháp trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và chính điều này đã tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trên thực tế, chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường kinh tế phi điều tiết của Việt Nam giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho FDI.
Cũng theo Eurocham, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với lạm phát thấp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tăng trưởng nhanh của Việt Nam.
Theo đánh giá của EuroCham, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí tốt ở Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu dùng trong nước tăng trưởng. “Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện các cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thương mại. Do đó, chỉ số môi trường kinh doanh đã cải thiện, và điều này đóng góp đáng kể vào việc cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, Sách Trắng của EuroCham nêu rõ.
Eurocham cũng đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ đối với việc cộng đồng doanh nghiệp tham gia đóng góp trong việc xây dựng các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính. Điều này cũng góp phần đáng kể vào việc cắt giảm chi phí tuân thủ.
Đưa ra những đánh giá về cải cách thuế và hải quan của Việt Nam, ông Thomas McClelland – đại diện Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Eurocham cũng đánh giá cao những thay đổi tích cực liên quan đến các quy định pháp luật về thuế tại Việt Nam. Ví dụ như những thay đổi giúp giảm thiểu thời gian người nộp thuế tuân thủ các nghĩa vụ về thuế. Đồng thời, ông cũng hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong việc rà soát và cập nhật các quy định về thuế.
Tuy nhiên, Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Eurocham cũng cho rằng, việc thực thi các quy định vẫn còn gặp nhiều thách thức và mong muốn được cải thiện trong thời gian tới. Đơn cử như, cách giải thích có phần còn hạn hẹp về những tiêu chuẩn liên quan đến các công ty so sánh vốn vẫn là vấn đề phổ biến phát sinh trong quá trình kiểm toán chuyển giá, hay việc sử dụng công ty so sánh trong kiểm toán chuyển giá.
Theo đánh giá của EuroCham, chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đạt 84/100 điểm, tiếp tục đà tăng trong 4 năm liên tiếp. Có được điều này là sự phát triển của nền kinh tế số. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia là điểm đến của các doanh nghiệp châu Âu phát triển nội dung số.
Cũng liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, trong một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, năm 2019, Chính phủ nhất quán tiếp tục ưu tiên tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, ngay trong ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, mục tiêu nhằm nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Theo VnMedia
(Visited 26 times, 1 visits today)