Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 458,82 triệu USD. Trong đó có 148 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 353,83 triệu USD. Có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 105 triệu USD.
Trong 11 tháng đầu năm, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 118,2 triệu USD, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư; tiếp sau là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ hai với 65,57 triệu USD và chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 60 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cũng trong 11 tháng năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 31quốc gia, vùng lãnh thổ. Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 141,3 triệu USD, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 26 dự án, tổng vốn đầu tư là 93,4 triệu USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada,…
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tính lũy kế đến ngày 20/11/2019, cả nước có 30.477 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 360,69 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 209,5 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 212,16 tỷ USD, chiếm 58,8% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,7 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 23,65 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 66,82 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với gần 59 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông.
Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với 46,89 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với 34,19 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với 33,57 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư).
Theo VnMedia