GDP cải thiện mạnh trong quý III
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 6,98% – ngang bằng với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có khởi đầu khá chậm trong nửa đầu năm nay nhưng tăng trưởng đã có sự cải thiện mạnh riêng trong quý III (tăng 7,31% – cao hơn mức 6,88% của quý III/2018), qua đó giúp tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm duy trì được đà tăng tích cực.
Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng thấp (2%) do hạn hán ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng. Nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ (đặc biệt là thị trường Trung Quốc) và giá xuất khẩu. Ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản có mức tăng khá với 6,12%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng trưởng khá 9,56%, đóng góp 3,16 phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này, là động lực chính của tăng trưởng GDP với mức tăng cao 11,37%.
Đáng chú ý, ngành khai khoáng, sau 3 năm suy giảm liên tiếp, đã lấy lại mức tăng trưởng dương 2,68%. Khu vực dịch vụ tăng 6,85%, cao hơn mức tăng 6,75% của cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực dịch vụ, tăng trưởng một số ngành có tỷ trọng lớn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8,31%, cao nhất trong khu vực dịch vụ); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,15%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%…
Theo Báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường 9 tháng đầu năm của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt vừa được công bố, với mức tăng trưởng GDP tích cực như trên, Việt Nam đang cho thấy sức chống đỡ khá tốt trước những rủi ro chung là kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và xung đột thương mại Mỹ – Trung leo thang. Trong quý III, sự thặng dư lớn của cán cân thương mại đã đóng góp vào mức tăng trưởng GDP chung.
Bên cạnh sự đóng góp của yếu tố vốn, nếu tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam tiếp tục được cải thiện (trên thực tế còn nhiều dư địa để thực hiện, nhất là ở khía cạnh cải cách thể chế) thì tăng trưởng của Việt Nam trong các năm tới sẽ tăng được khả năng chống chịu với các rủi ro từ bên ngoài.
Theo dự báo của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 có thể đạt mức 6,8 – 7%.
Một số yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm được Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt đưa ra là, xuất khẩu tiếp tục gia tăng (đặc biệt tại một số mặt hàng như dệt may, thủy sản, giày dép, đồ gỗ nội thất…) nhờ tận dụng được cơ hội từ xung đột thương mại Mỹ – Trung mang lại. Cùng với đó, vốn đầu tư nước ngoài gia tăng nhờ kỳ vọng về Hiệp định EVFTA sớm được quốc hội EU thông qua và xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khởi Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường 9 tháng đầu năm của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra một số khó khăn đối với tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2019 (và kể cả đầu năm 2020) là, bất định của thị trường tài chính thế giới và dòng vốn đầu tư nước ngoài; kinh tế một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc) tăng trưởng chậm lại và giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm.
Lạm phát tổng thể năm 2019 dự báo sẽ có mức tăng khoảng 2,5-3%
Liên quan đến lạm phát, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III/2019 tăng 2,23% so với cùng kì năm 2018 và tăng 0,48% so với quý II/2019. Đặc biệt, mức tăng theo tháng của chỉ số CPI trong tháng 8 (tăng 0,28%) và tháng 9 (tăng 0,32%) năm 2019 đều thấp hơn hẳn so với ba năm gần nhất.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, CPI bình quân tăng 2,5%– mức tăng thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Lạm phát tăng kể từ đầu năm đến nay do giá thực phẩm tăng khoảng 4,2% do giá thịt lợn tăng 8% dưới tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi; giá điện tăng cuối quý I/2019 gây áp lực đến nhiều nhóm ngành hàng; CPI nhóm ngành giáo dục tăng 6,7% do việc tăng giá sách giáo khoa và thực hiện lộ trình tăng trần học phí đại học và sau đại học theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ; giá dịch vụ y tế tăng 3,36% theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu giảm khoảng 3,46% (tác động CPI chung giảm 0,14%) là một yếu tố tích cực trong việc kiềm chế lạm phát.
Điểm đáng lưu ý là lạm phát cơ bản có xu hướng giảm trở lại kể từ tháng 8/2019, từ mức 2,04% vào tháng 7/2019 xuống còn 1,96% vào tháng 9/2019.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, mặc dù mức giảm của lạm phát lõi trong hai tháng gần đây còn khá khiêm tốn nhưng diễn biến này phần nào cho thấy áp lực lên mặt bằng giá cả chung trên thị trường đã tạm thời dịu bớt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước giảm các loại lãi suất điều hành.
“Trong khung thời gian dài hơn (từ nay đến cuối năm 2020), lạm phát cơ bản nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại và duy trì quanh mức 2%. Còn lạm phát tổng thể trung bình cho cả năm 2019 được dự báo sẽ có mức tăng trong khoảng 2,5 – 3%”, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt dự báo.
Theo VnMedia
(Visited 17 times, 1 visits today)