Ngày 8/6/2021, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng. Lục Ngạn (vùng Vải thiều lớn nhất của tỉnh) không Covid, với những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để bảo vệ Vùng Vải thiều. Do đó, đến nay đã khẳng định: “Vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước…
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 22 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc |
Theo thông tin tại Hội nghị, đến nay, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời, là “giấy thông hành” để vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Tỉnh Bắc Giang đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều năm 2021 và khẳng định: Chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang tốt nhất từ trước đến nay, an toàn thực phẩm, không Covid-19. Đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các phương án, kịch bản tiêu thụ vải thiều; tỉnh Bắc Giang tái cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất: công tác phòng chống dịch Covid-19, nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác…
Thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới và hiện đại
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ. Nhờ có công nghệ mà các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã được tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng nhất với người tiêu dùng, đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian, vật chất và nâng cao độ tin cậy, chính xác rất cao trong quá trình giao thương. Chính vì thế thương mại điện tử đã và đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phương thức này càng trở nên tiện ích và thể hiện ưu thế vượt trội khi đại dịch Covid 19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu khiến việc đi lại, gặp gỡ trực tiếp là hết sức khó khăn. Việc Bắc Giang cũng như một số địa phương khác của Việt Nam có những sản phẩm nông sản đặc trưng đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ, ngành khác áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là một hướng đi đúng, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề rất sáng tạo, phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh Covid 19 bùng phát cục bộ ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng mong rằng không chỉ trái vải thiều, nhiều sản phẩm đặc trưng khác của Bắc Giang cũng cần được áp dụng giải pháp tương tự để hiệu quả kinh doanh được nâng lên nhiều lần trong tương lai.
“Mong rằng sau sự kiện này sẽ có thêm nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Việt Nam, với Bắc Giang qua thương mại điện tử, các sàn giao dịch điện tử hoặc trực tiếp khi điều kiện cho phép để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác, góp phần củng cố, phát triển quan hệ kinh tế thương mại tốt đẹp, hai chiều giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng bốn phương”, Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ Công bố và trao văn bằng Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, Lễ Khai trương “Gian hàng vải thiều tỉnh Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế” và Lễ xuất hành Đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế (tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang)… Những sự kiện quan trọng này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều của tỉnh Bắc Giang được thông quan thuận lợi, đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.
Theo VnMedia